Nghị định quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

14/02/2022 08:19 Số lượt xem: 955

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội(dưới đây gọi tắt là Nghị định). Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.

          Thứ nhất, giảm thuế giá trị gia tăng (được áp dụng kể từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022).

Một là, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định.

- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định.

- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định.

- Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Hai là, mức giảm thuế giá trị gia tăng

- Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ.

- Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

Ba là, trình tự, thủ tục thực hiện

- Đối với cơ sở kinh doanh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, khi lập hóa đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “8%”; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

- Đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.

Bốn là, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Năm là, trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

Sáu là, trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết (nếu có) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng hoặc giá đã giảm 20% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

Bẩy là, cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định cùng với Tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Thứ hai, chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022).

Một là, Doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trường hợp công ty mẹ nhận khoản ủng hộ, tài trợ của các đơn vị thành viên để tập trung đầu mối thực hiện hoạt động ủng hộ, tài trợ thì công ty mẹ và các đơn vị thành viên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với khoản ủng hộ, tài trợ của công ty mẹ và từng đơn vị thành viên. Công ty mẹ phải có Biên bản hoặc văn bản, tài liệu xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ (Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp, tổ chức là đơn vị ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật). Đơn vị thành viên phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật và có văn bản xác nhận của công ty mẹ về khoản ủng hộ, tài trợ của từng đơn vị thành viên.

Hai là, đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận. Trường hợp đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ sử dụng sai mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ba là, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, cơ quan hải quan để quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi nâng giá trị, khai giá trị bất hợp lý trong hoạt động ủng hộ, tài trợ; phối hợp quản lý chặt chẽ giá mua bán hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn cung cấp hàng hóa, dịch vụ và xử lý các trường hợp giá mua bán trên hợp đồng, giá trên hóa đơn cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đúng với thực tế theo quy định của pháp luật.

Bốn là, Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp, tổ chức là đơn vị ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Thứ ba, tổ chức thực hiện

- Các bộ theo chức năng, nhiệm vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đ người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế giá trị gia tăng) từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 01/02/2022.

- Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc giao Bộ Tài chính hướng dẫn, giải quyết.

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định.

Thi hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 09/02/2022, Tổng Cục thuế đã có Công điện số 02/CĐ-TCT về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hộ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Công điện nêu rõ:

Ngày 28/01/2022, Tổng cục Thuế đã có công điện số 01/CĐ-TCT yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến đến người nộp thuế trên địa bàn về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (trừ một số hàng hóa, dịch vụ), hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, nắm bắt thông tin, vẫn còn một số trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chưa xuất hóa đơn GTGT áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% (đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%) theo quy định.

Tổng cục Thuế yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ thực chất đi vào cuộc sống. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật./.

Kim Ngân