Phân biệt giữa kiểm tra văn bản và rà soát văn bản

08/11/2022 16:23 Số lượt xem: 375

Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL là cơ chế kiểm soát văn bản QPPL sau khi ban hành, là công cụ quan trọng, hữu hiệu để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của văn bản QPPL, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, phục vụ sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, giữa hai hoạt động này có những điểm khác nhau cơ bản sau:

 Về đối tượng:

 - Hoạt động kiểm tra văn bản được tiến hành đối với những văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành.

 - Hoạt động rà soát văn bản được thực hiện ở phạm vi rộng hơn, ngoài việc rà soát đối với văn bản của các bộ, ngành, địa phương còn tiến hành rà soát văn bản do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

  Về thời điểm tiến hành:

- Kiểm tra văn bản được tiến hành ngay sau khi văn bản được thông qua hoặc ban hành và căn cứ để đối chiếu kiểm tra là các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên mà văn bản được kiểm tra sử dụng làm căn cứ ban hành hoặc liên quan tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra.

- Rà soát văn bản được tiến hành trong suốt thời gian văn bản đang có hiệu lực thi hành khi có các sự kiện pháp lý nhất định như: tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi hoặc khi cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản mới làm cho nội dung văn bản đó không còn phù hợp hoặc khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản mới mà trong văn bản đó chưa chỉ rõ những văn bản nào trước đây bị hủy bỏ, bãi bỏ, thay thế.

 Phạm vi tiến hành:

- Kiểm tra văn bản xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của văn bản nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản.

- Rà soát văn bản: Ngoài việc phát hiện quy định trái pháp luật, còn nhằm phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

 Hình thức xử lý:

- Hoạt động kiểm tra văn bản có các hình thức xử lý là: đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; đính chính văn bản.

 - Hoạt động rà soát văn bản, ngoài các hình thức như kiểm tra văn bản thì còn có hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành văn bản mới, ngưng hiệu lực văn bản.

 Ngoài ra, tùy theo giai đoạn tiến hành công việc mà trình tự, thủ tục kiểm tra, rà soát cũng được tiến hành khác nhau; chủ thể tiến hành cũng khác nhau (nếu như công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL chủ yếu tập trung ở cơ quan Tư pháp như Bộ Tư pháp, pháp chế các bộ, ngành, Sở Tư pháp… thì công tác rà soát văn bản được thực hiện ở nhiều các cơ quan khác nhau).

Nguyễn Thu Thủy - Phòng XD và KTVB