Vai trò của Kiểm soát thủ tục hành chính trong công tác Cải cách hành chính

23/12/2019 09:08 Số lượt xem: 538

Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Một  trong những nét nổi bật của công tác cải cách hành chính là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC). 

Hiện nay, từ trung ương đến các xã, phường, thị trấn đều hình thành bộ TTHC đã loại bỏ được những trình tự, thủ tục chồng chéo, rườm rà và được thực hiện qua hệ thống “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử”… của cơ quan hành chính các cấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân tiếp cận các cơ quan nhà nước trong giải quyết công việc, được người dân, dư luận và các tổ chức đánh giá cao. Ở tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua do tích cực triển khai các nhiệm vụ kiểm soát TTHC, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác này trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh được nâng lên. Ngoài ra, hàng năm tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch chi tiết nhằm mục tiêu cải thiện các chỉ số CPI, PAPI, PAR INDEX . Kết quả chỉ số CPI năm 2017 tỉnh Bắc Ninh xếp số 17, năm 2018 xếp số 15; chỉ số PAPI trong 2 năm 2017 và 2018 đều xếp thứ 18 và chỉ số PAR INDEX năm 2017 xếp số 26, 2018 xếp số 23. Tuy nhiên những thứ hạng trên chưa xứng tầm với vị thế và tiềm năng của tỉnh.  Trong thời gian tới, để việc thực hiện nhiệm vụ cải cách, kiểm soát TTHC đạt kết quả cao, phấn đấu đưa Bắc Ninh vào trong Top 10 các địa phương có chỉ số CPI, PAPI, PAR INDEX cao nhất, cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác, lòng tự trọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC.

Hai là, thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động, tham gia ý kiến đối với TTHC dự kiến ban hành mới.

Ba là, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định, chỉ đạo về nhiệm vụ kiểm soát TTHC để cụ thể hóa cho phù hợp với thực tế của các cấp, kiện toàn tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC; lựa chọn, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp, có tâm huyết làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC.

Bốn là, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử” trong giải quyết TTHC nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

Lê Thị Thủy - Văn phòng Sở Tư pháp