Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển hoạt động đấu giá tài sản
Sáng nay – 03/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì Hội nghị tổng kết 05 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản (Luật ĐGTS). Đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cùng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Sở Tư pháp; các cơ quan có liên quan; các tổ chức đấu giá tài sản các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật ĐGTS được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016, đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản. Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.
Tổ chức đấu giá tài sản phát triển nhanh và có nhiều đóng góp tích cực
Theo báo cáo tại Hội nghị, các tổ chức đấu giá tài sản đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, phát triển về quy mô, tính chuyên nghiệp. Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 58/63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo số liệu thống kê thì từ tháng 07/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thu lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.096 tỷ, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ. Điều này cho thấy hoạt động đấu giá tài sản đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, số lượng các cuộc đấu giá ngày càng tăng, tỷ lệ đấu giá thành chiếm tỷ lệ lớn, giá trúng đấu giá cao hơn thậm chí có những cuộc đấu giá có giá trúng cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm trong đó các cuộc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất... đã tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Gia tăng số lượng các loại tài sản được bán thông qua đấu giá
Thể chế về đấu giá tài sản đã được hoàn thiện với việc Luật ĐGTS quy định trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá. Đồng thời, xây dựng cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa do các tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp thực hiện. Hầu hết các cuộc đấu giá tài sản công được thực hiện bởi các tổ chức đấu giá (chỉ một số ít được thực hiện bởi Hội đồng đấu giá tài sản) qua đó tính chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản được tăng lên đáng kể. Cùng với việc Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ban hành năm 2017 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của các loại tài sản công bao gồm cả các loại tài sản công tại doanh nghiệp, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước, kho số viễn thông tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý…
Đa dạng các hình thức đấu giá được áp dụng
Số cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng (ngoài hình thức truyền thống là đấu giá trực tiếp bằng lời nói đã bổ sung đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá trực tuyến) hoặc có tổ chức đấu giá đã kết hợp linh hoạt nhiều hình thức trong cùng một cuộc đấu giá. Bước đầu, tổ chức đấu giá tài sản tại một số địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến, góp phần tạo nên hệ thống đấu giá công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu
Bên cạnh những kết quả đạt, việc triển khai thi hành Luật ĐGTS vẫn còn một số bất cập, hạn chế cả về mặt thể chế và thực tiễn. Cụ thể, một số quy định của pháp luật chuyên ngành còn chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, chế tài xử lý người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán; Một số quy định của Luật ĐGTS đã bộc lộ hạn chế do chưa chặt chẽ, rõ ràng, gây lúng túng trong quá trình thực hiện như các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; Một số tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quy định về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản… không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa đầy đủ.
Các tổ chức đấu giá tài sản đã tăng lên đáng kể về số lượng, tuy nhiên sự phân bố các tổ chức bán đấu giá tài sản không đều mà chủ yếu tập trung tại các thành phố và các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; Xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản; Một bộ phận đấu giá viên còn chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp...
Cần có điều khoản mở về mức tiền đặt trước
Các ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất với báo cáo tại Hội nghị. Đại diện Sở Tư pháp TP HCM cho rằng, trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung được Luật ĐGTS thì cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật để triển khai thực hiện. Hiện nay, Luật chỉ quy định các vấn đề chung về trình tự, thủ tục đối với hoạt động đấu giá tài sản. Còn các loại tài sản khác nhau được quy định ở rất nhiều các văn bản khác nhau và trình tự, thủ tục đối với từng loại cũng được quy định ở nhiều văn bản khác nhau. Do đó, đại diện Sở Tư pháp TPHCM đề nghị trong Luật ĐGTS sửa đổi sẽ có điều khoản quy định giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đấu giá đối với từng loại tài sản ở pháp luật chuyên ngành.
Về vấn đề nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước, đại diện Sở Tư pháp TPHCM cho rằng, việc tiếp nhận hồ sơ chỉ có 2 ngày trước khi mở cuộc đấu giá là rất ngắn. Đặc biệt là đối với những vụ việc đấu giá có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Lượng việc dồn vào ngày cuối cùng rất lớn. Do đó cần quy định về thời gian cho phù hợp hơn. Về mức tiền đặt trước, đồng chí cũng kiến nghị “cần tăng mức tiền đặt trước nhưng không phíc cứng mà vẫn quy định là không quá 20% của giá khởi điểm như hiện nay, tuy nhiên, sẽ quy định những trường hợp đặc biệt được quy định mức tiền đặt trước không quá 50% giá khởi điểm và phải nêu rõ lý do, được cơ quan có thẩm quyền quyết định”.
Về hình thức đấu giá trực tuyến, đồng chí khẳng định đây là vấn đề mới và lớn của Luật ĐGTS, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ phải lưu trữ sau khi tổ chức đấu giá trực tuyến, nên đồng chí đề nghị cần phải có quy định về lưu trữ hồ sơ trực tuyến. Cũng liên quan đến vấn đề lưu trữ hồ sơ đấu giá tài sản, đồng chí cũng cho rằng thời gian lưu trữ hồ sơ được Luật ĐGTS quy định là 5 năm là quá ngắn. Vì trong một số trường hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra, truy tố, có một số tổ chức đấu giá tài sản đã chấm dứt hoạt động và không thực hiện chuyển giao hồ sơ đấu giá tài sản, nên rất khó khăn trong việc thanh tra, kiểm tra...
Đồng chí cũng nêu thêm, hiện nay trình tự thủ tục đăng ký thay đổi đối với Chi nhánh tổ chức đấu giá tài sản chưa được quy định, do đó các Sở Tư pháp đang áp dụng tương tự như đối với tổ chức đấu giá tài sản.
Hoạt động đấu giá tài sản còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật
Hoan nghênh các ý kiến tại Hội nghị đem lại nhiều nội dung, nhất là các vấn đề liên quan đến thực tiễn trong quản lý, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã điểm lại nhưng kết quả nổi bật trong 05 năm thi hành Luật ĐGTS như: Pháp luật về đấu giá tài sản ngày càng hoàn thiện; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hợp lý hơn để phát triển hoạt động đấu giá tài sản, việc tổ chức thi hành Luật bài bản, hiệu quả; đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản phát triển cả về số lượng và chất lượng; việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm và thu được kết quả bước đầu quan trọng, góp phần làm hoạt động đấu giá tài sản công khai, minh bạch, dễ tiếp cận... hoạt động bán đấu giá tài sản phát triển mạnh, cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật, số vụ việc đấu giá thành lớn, chênh lệch giá khởi điểm và giá trúng đấu giá cao...
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật ĐGTS như: Hoạt động đấu giá còn nhiều khó khăn vướng mắc, chưa thật hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật cao như hiện tượng “đầu gấu”, “bảo kê”, “dìm giá”, “sân trước, sân sau”, trục lợi cá nhân dưới nhiều hình thức kể cả từ phía người có tài sản bán đấu giá, từ phía đấu giá viên và những người có liên quan khác; xảy ra nhiều vi phạm pháp luật kể cả về pháp luật hình sự; các hoạt động bán tài sản theo yêu cầu cá nhân, tổ chức, bán tự nguyện còn rất ít vì vậy tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững của hoạt động đấu giá trong thời gian tới; Đội ngũ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá phát triển chưa đồng đều, chất lượng một bộ phận đấu giá viên chưa cao, nhất là ở những địa bàn kinh tế còn khó khăn...
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, có thể đưa ra một số chính sách ban đầu trong việc sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS:
Thứ nhất là xác định rõ hơn phạm vi áp dụng của Luật ĐGTS, mối quan hệ giữa Luật ĐGTS với các luật khác. Luật ĐGTS cần quy định chung và bao quát về trình tự, thủ tục và tính tới đặc thù của một số tài sản bán đấu giá, các quyền và tài sản mang tính đặc thù khác.
Thứ hai là quy định rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục bán ĐGTS, có thể theo hướng phân tách thủ tục bán ĐGTS và tài sản thi hành án, bán tài sản công với bán tài sản theo yêu cầu, nếu gộp thành thủ tục chung sẽ rất khó xử lý. Bên cạnh đó, cần phải đa dạng các hình thức bán ĐGTS, trong đó Thứ trưởng nhấn mạnh đến hình thức bán đấu giá trực tuyến.
Thứ ba là hoàn thiện các quy định để góp phần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho các đấu giá viên, để xử lý các vướng mắc trong hoạt động của tổ chức bán ĐGTS, nhất là các Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS – là các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang ở thế bất lợi khi cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức bán ĐGTS, các công ty; xây dựng các tổ chức bán ĐGTS mạnh, hoạt động bài bản, nề nếp.
Thứ tư là hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, thể chế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động ĐGTS, trong đó chú trọng và tăng cường đấu giá trực tuyến, thực hiện một số công việc qua môi trường mạng.
Thứ năm là tăng cường quản lý nhà nước, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là xử lý vi phạm, phải có chế tài mạnh, nghiêm minh.
Thứ trưởng cũng lưu ý một số nội dung cần phải thực hiện ngay sau Hội nghị. Trong đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Bổ trợ Tư pháp tổng hợp đầy đủ ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng kết; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS; nghiên cứu kỹ lưỡng khó khăn, vướng mắc được nêu trong Hội nghị để kịp thời có văn bản xử lý, giải đáp; tham mưu cho lãnh đạo Bộ để đẩy nhanh việc sửa đổ, bổ sung Nghị định số 62, trong đó có việc xây dựng Cổng Thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Thứ trưởng đề nghị các Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường về quản lý nhà nước, trong đó tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức có tài sản bán đấu giá tăng cường trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hậu quả, không để thất thoát tài sản của nhà nước; tham mưu UBND tỉnh tiếp tục vận hành cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá trên địa bàn, đấu tranh phòng chống hiệu quả hiện tượng “đầu gấu”, “bảo kê”, “quân xanh, quân đỏ” trên địa bàn…
Đối với các tổ chức hành nghề đấu giá, Thứ trưởng yêu cầu phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia đấu giá của các tổ chức cá nhân khi có yêu cầu…
An Như – Trung tâm Thông tin