Xử lý văn bản trái pháp luật qua việc tự kiểm tra được thực hiện như thế nào

22/11/2022 09:34 Số lượt xem: 134

Tự kiểm tra văn bản là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành hoặc liên tịch ban hành ra văn bản đó với mục đích là tự xem xét, đánh giá tính hợp pháp của văn bản do mình đã ban hành; Tự kiểm tra văn bản nhằm giúp cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó phát hiện nội dung không phù hợp với pháp luật một cách sớm nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, với việc tự kiểm tra văn bản ngay sau khi ban hành có thể tránh được việc phải khắc phục hậu quả do nội dung trái pháp luật của văn bản; Hoạt động tự kiểm tra văn bản đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và đề cao ý thức chấp hành đầy đủ trình tự, thủ tục từ quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, ký ban hành văn bản, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản ở các cơ quan, từ đó tạo lập một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch.

 Khi thực hiện việc tự kiểm tra văn bản, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật thì cơ quan, đơn vị, người được giao thực hiện việc tự kiểm tra lập hồ sơ kiểm tra văn bản (hồ sơ gồm: phiếu kiểm tra văn bản, văn bản có nội dung trái pháp luật được phát hiện; văn bản dùng làm căn cứ đối chiếu) và báo cáo ngay với cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành hoặc liên tịch ban hành văn bản đó để xem xét, thực hiện việc tự xử lý theo quy định. Báo cáo kết quả tự kiểm tra văn bản gồm những nội dung cơ bản sau đây: Tên văn bản được kiểm tra, cơ sở pháp lý để tự kiểm tra, quá trình tổ chức tự kiểm tra, nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra, ý kiến của cơ quan kiểm tra văn bản, ý kiến của đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan (nếu có); sự cần thiết và phương án xử lý cụ thể, biện pháp khắc phục hậu quả và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan (nếu có).

 Trên cơ sở báo cáo kết quả tự kiểm tra, cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm xử lý kịp thời văn bản trái pháp luật đã ban hành.

 Kết quả tự xử lý văn bản QPPL trái pháp luật phải được công bố công khai, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải được đăng Công báo, đăng trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành (đối với văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành) hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan ban hành hoặc các địa điểm khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định (đối với văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã ban hành). Kết quả tự xử lý văn bản có chứa QPPL phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trước đó văn bản đã được gửi. Trường hợp văn bản đó đã được đăng Công báo, đăng trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành hoặc được niêm yết thì kết quả xử lý cũng phải được công bố trên các phương tiện thông tin đó.

Nguyễn Thu Thuỷ