Thống kê truy cập

Online : 3540
Đã truy cập : 151108235

Hội nghị phổ biến Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15

19/05/2023 08:41 Số lượt xem: 331

Sáng ngày 18/05, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị phổ biến Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với hơn 1.000 điểm cầu tại khu vực phía Bắc. GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách, điều hành Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bắc Ninh, tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, TTYT huyện, thị xã thành phố và đơn vị y tế ngoài công lập.

Luật khám bênh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023 sau khi đã được xem xét, thảo luận tại 3 kỳ họp thay thế cho Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009. Nhiều nội dung mới của Luật thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận hành lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực khám bệnh trên quan điểm “Lấy người bệnh là trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển”. Luật khám bênh, chữa bệnh sửa đổi cũng đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh trong đó có các tổ chức xã hội nghề nghiệp, xét nghiệm tham gia quy trình xây dựng Luật khám bênh, chữa bệnh  phổ biến giáo dục, đào tạo, tạo kiến thức chuyên môn pháp luật về khám bênh, chữa bệnh cho hội viên tham gia phản biện xã hội về khám bênh, chữa bệnh và triển khai Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp, huy động nguồn lực xã hội.

Một trong nững điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề đó là Luật đã quy đinh tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện. Đây là 1 nội dung quan trọng thể chế hóa nghị quyết số 20 của BCH Trung ương Đảng và là bước đột phá trong hội nhập Quốc tế, là hoạt động thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo người hành nghề sức khỏe. Mặc dù quy định này sẽ tạo thêm áp lực cho người mới ra trường phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực.

Luật đã bổ sung thêm 1 số đối tượng bao gồm cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng và đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề. Luật  cũng quy định giấy phép hành nghề là 5 năm. Sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

Về chuyên môn kỹ thuật, luật đã bổ sung quy định về hoạt động cấp cứu ngoại viện, các nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hệ thống cấp cứu ngoại viện, trong đó ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của Nhà nước, hệ thống tiếp nhận thông tin và điều phối cấp cứu ban đầu; chi phí vận chuyển cấp cứu trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chi phí quản lý, vận hành cơ sở cấp cứu ngoại viện của nhà nước.

Luật đã bổ sung quy định liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động (bao gồm khám bệnh, chữa bệnh tại nhà), khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; chính sách ưu đãi đối với khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.

Bổ sung quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; Điều chỉnh một số nội dung liên quan đến sai sót chuyên môn và thành lập hội đồng chuyên môn giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.

Đáng chú ý, về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã điều chỉnh phân cấp chuyên môn kỹ thuật từ 4 cấp hành chính (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Quy định việc hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút gồm tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu…

Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Đồng thời cụ thể hóa một số nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quy định cụ thể trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh… Bên cạnh đó, bổ sung một số nội dung về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề...

Để Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thực thi theo đúng lộ trình, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các vụ, cục thuộc Bộ Y tế khẩn trương xây dựng nội dung Nghị định, Thông tư, Quyết định, các đề án đã được phân công bảo đảm đúng tiến độ để có thể thực thi Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngay khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Đề nghị các Bộ, Ngành, các cơ quan, tổ chức, các đơn vị, địa phương có liên quan tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn và các đề án có liên quan, bảo đảm các quy định hướng dẫn chi tiết có tính khả thi, phù hợp, có chất lượng và đúng các quy định của Luật.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bắc Ninh, lãnh đạo Sở Y tế Bắc Ninh đề nghị các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân xây dựng kế hoạch và tiếp tục phổ biến các nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm người hành nghề, các tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hiểu đúng, làm đúng theo các quy định pháp luật về Khám bệnh, chữa bệnh...

Phạm Côn