Thống kê truy cập

Online : 3932
Đã truy cập : 150806894

Rét đậm kéo dài, trẻ em và người già bệnh nặng nhập viện tăng

11/01/2021 08:17 Số lượt xem: 190
Do ảnh hưởng của rét đậm kéo dài, số bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện không biến động nhiều song số trẻ em và người già phải nhập viện do các bệnh liên quan đến thời tiết tăng lên rõ rệt.

Ngoài hệ thống điều hoà trung tâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trang bị đèn sưởi phục vụ người bệnh chống lại giá rét.

Tại khoa Khám bệnh – Cấp cứu ban đầu, Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh những ngày qua số lượng bệnh nhân đến khám giảm so ngày thường, song số bệnh nhân nặng, chủ yếu là bệnh nhi tăng rõ rệt, chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân.

Theo bác sĩ CKII Phan Thị Yến, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Khám bệnh - Cấp cứu ban đầu thì các bệnh nhi nhập viện thường mắc các bệnh về hô hấp như: Viêm phổi, Cúm A và các bệnh đường tiêu hoá. Nguyên nhân của tình trạng này do thời tiết quá lạnh, nhiều trẻ ốm nhưng bố mẹ ngại đưa trẻ khám bệnh và tự mua thuốc về điều trị tại nhà, khi không khỏi và có diễn biến nặng mới đi khám và phải nhập viện. Điều này khiến cho trẻ phải nằm viện dài ngày hơn so với việc đưa trẻ đến khám ngay khi có biểu hiện sốt cao.

Điển hình là trường hợp một cháu bé 2 tuổi từ tỉnh Bắc Giang được đưa vào nhập viện do sốt cao co giật. Trước đó, cháu bị sốt vài ngày và được điều trị tại nhà. Vì trời lạnh nên khi trẻ sốt, người nhà ủm chăn, dẫn đến sốt cao không hạ, sau 2 cơn co giật tại nhà mới đưa vào viện. Cháu bé được chẩn đoán sốt cao co giật do viêm phế quản phổi/ viêm amydal cấp, sau điều trị 5 ngày sức khoẻ trẻ đã ổn định.

Còn tại khoa Nội Nhi tổng hợp, ngày 11-1 có 308 trẻ đang điều trị nội trú. Bác sĩ CKII Nguyễn Như Trường cho biết: So cùng kỳ năm 2020 và so ngày thường, số bệnh nhi tăng rõ rệt. Song song với việc điều trị theo phác đồ, khoa cũng chú ý việc phòng, chống rét cho bệnh nhi bằng việc hướng dẫn người bệnh và người nhà cách giữ ấm cơ thể, đóng kín cửa phòng bệnh tránh gió lùa, bảo đảm dinh dưỡng và ATTP…

Cũng là một trong những đối tượng dễ mắc các bệnh chịu ảnh hưởng của thời tiết, số lượng bệnh nhân là người cao tuổi phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có xu hướng tăng trong những đợt giá rét. Theo bác sĩ Vũ Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, số bệnh nhân vào điều trị tại khoa chủ yếu là các trường hợp suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phù phổi cấp, tim mạch, đột quỵ não…. Hầu hết là bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi) và có bệnh nền như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch… Tại khoa Hồi sức tích cực, để bảo đảm phòng, chống rét cho bệnh nhân, điều hoà trung tâm 2 chiều của bệnh viện bảo đảm ổn định nhiệt độ từ 22-240C. Bệnh nhân được trang bị đầy đủ chăn, đệm dày, có tăng cường đèn sưởi ấm tại các phòng bệnh nhỏ và giường bệnh khi cần. Các thiết bị y tế chuyên dụng cũng được sử dụng cho người bệnh khi cần như: Máy làm ấm máu và dịch truyền.

Theo các bác sĩ, để phòng ngừa và hạn chế mắc các bệnh ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, người dân cần chú ý giữ ấm cá nhân (đội khăn, tất, mũ, mặc nhiều lớp quần áo…); ăn uống ấm, nóng; hạn chế ra ngoài trời khi không cần thiết; ban đêm vệ sinh cá nhân trong phòng kín gió, sử dụng nước ấm trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân…

Được biết, từ giữa tháng 12-2020, để chủ động tăng cường phòng, chống rét cho người bệnh, giảm thiểu những tác hại do thời tiết gây ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai các nội dung liên quan. Theo đó, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân đến khám, chữa bệnh về các biện pháp phòng chống rét, phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt đối với người già, trẻ em, những người mắc bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch, xương khớp…; nhà cửa phải được che chắn, tránh gió lùa, chăn đệm phải đảm bảo đủ ấm, mặc quần áo ấm trước khi đi ra ngoài. Cảnh báo cho nhân dân biết và phòng tránh các tai nạn trong quá trình sưởi ấm như ngộ độc khí CO khi sử dụng bếp than trong nhà kín, bỏng lửa, điện giật khi sử dụng lò sưởi, ngạt thở do mặc quá nhiều quần áo ấm, hạ nhiệt độ hoặc tai nạn khi tham gia giao thông ngoài trời rét…

Các đơn vị khám, chữa bệnh tăng cường tổ chức phòng chống rét cho người bệnh chú ý đến những khu vực tiếp nhận người bệnh, các buồng cấp cứu, buồng khám bệnh, buồng điều trị, khi làm các thủ thuật…phải bảo đảm kín gió, trang bị đủ chăn, đệm, lò sưởi và các phương tiện phòng chống rét cho người bệnh trong thời gian khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và các phương tiện cấp cứu để xử trí kịp thời các bệnh thường gặp do thời tiết lạnh gây ra như các bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh đường hô hấp…

Nguyễn Huệ