Thống kê truy cập

Online : 3219
Đã truy cập : 150727066

Triển khai bệnh án điện tử ở Trung tâm Y tế Yên Phong

21/10/2023 07:52 Số lượt xem: 578

Trung tâm Y tế huyện Yên Phong là đơn vị thứ 2 của ngành Y tế Bắc Ninh triển khai bệnh án điện tử (sau Bệnh viện Sản - Nhi), nhưng lại là đơn vị y tế tuyến huyện đầu tiên trong tỉnh thực hiện nội dung này.

Lọt vào danh sách khoảng 50 bệnh viện trong tổng số khoảng 1.300 bệnh viện của cả nước, bao gồm cả công lập và ngoài công lập đã triển khai bệnh án điện tử cho thấy quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm về chuyển đổi số. Việc triển khai bệnh án điện tử và sử dụng thẻ Căn cước công dân định danh điện tử đăng kí khám, chữa bệnh đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc lấy người bệnh làm trung tâm.

Chị Đào Thị Tuyến làm ở Samsung Display, quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang lần đầu tiên đến trực tiếp khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cho biết, việc triển khai bệnh án điện tử giúp chị tiện lợi hơn nhiều trong quá trình làm thủ tục khám, chữa bệnh. Chỉ với thẻ Căn cước công dân (CCCD) đã định danh điện tử mức độ 2, chị không cần phải mang các giấy tờ liên quan khác. “Tôi cũng mới biết là thay vì phải mang đủ loại giấy tờ, tôi chỉ cần mang theo thẻ CCCD hoặc sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VNeID đều có thể đăng kí khám, chữa bệnh một cách nhanh chóng, thuận lợi. Trước đây, khi tôi đưa người nhà đi khám, có lần nhớ được thẻ BHYT thì lại quên CCCD hoặc ngược lại đều phải chờ người nhà mang đến, vừa phải chờ đợi lâu, do đó việc khám bệnh cũng bị chậm trễ. Như tôi quan sát, chỉ cần trình CCCD đi khám còn giúp người bệnh giảm thời gian xếp hàng, không bị ùn ứ như trước đây” - chị Tuyến chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân (trái) tra cứu lại thông tin của bệnh nhân trước khi ra y lệnh.

Làm nhiệm vụ đón tiếp bệnh nhân, chị Nguyễn Thị Bích Nhã, nhân viên Công tác xã hội cho biết, trung bình mỗi ngày 3 bàn tiếp đón tại Trung tâm tiếp nhận từ 600 đến 700 lượt bệnh nhân. Trước đây khi chưa triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD,  việc tiếp nhận thông tin đều được làm một cách thủ công nên mất nhiều thời gian. “Không chỉ người bệnh được hưởng lợi vì chỉ cần mang thẻ CCCD đã được định danh điện tử mức độ 2, chúng tôi cũng giảm bớt thời gian kiểm chứng lại thông tin vì thông tin trên CCCD đã chính xác, không có tình trạng thiếu, sai thông tin trên thẻ BHYT như trước đây. Qua một thời gian triển khai, những bất cập liên quan đến thông tin của người cao tuổi chưa định danh hay không sử dụng điện thoại thông minh đều đã được khắc phục. Còn một số trường hợp chưa áp dụng được, chúng tôi vẫn tiếp nhận khám bình thường nhưng sẽ hướng dẫn đến cơ quan Công an để làm định danh điện tử mức 2, thuận lợi cho những lần khám sau” - chị Nhã cho biết.

Trong khi đó, nhờ triển khai bệnh án điện tử, hoạt động khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân nội, ngoại trú đều thuận lợi do các thông tin được đồng bộ, thông suốt. Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, khoa Nội cho biết, việc triển khai bệnh án điện tử mang lại tiện ích cho nhân viên y tế về việc nắm bắt thông tin, lịch sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân.

Dẫn chứng trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Láng vào điều trị khoa Nội ngày 4-10, bác sĩ Vân giải thích “Ông Láng bị COPD, khi gõ thông tin của ông, phần mềm sẽ hiện đầy đủ thông tin, tôi có thể tra cứu lại những lần nhập viện trước đây, lần gần nhất là ngày 9-7, xem lại được toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh, lịch sử cận lâm sàng với các kết quả xét nghiệm đã làm trước đây, các loại thuốc đã sử dụng… để có thông tin so sánh giữa các lần đi khám”.

Nói thêm về hiệu quả của bệnh án điện tử, Trưởng phòng Điều dưỡng - Công tác xã hội - Kiểm soát nhiễm khuẩn Nguyễn Thị Chuyên cho biết khi chưa triển khai bệnh án điện tử, bác sĩ thăm, khám bệnh nhân hằng ngày sẽ phải cầm theo bệnh án để nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe của bệnh nhân, nhưng khi triển khai bệnh án điện tử, các bác sĩ, điều dưỡng đều được cài đặt app trên điện thoại thông minh, bác sĩ ra y lệnh trên app bằng cách tích thông tin trên app này (phần mềm MLBS) là có chỉ định, các điều dưỡng triển khai theo y lệnh của bác sĩ.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cho biết, triển khai bệnh án điện tử với sự kết nối liên thông các hệ thống: Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS)… vừa góp phần bảo vệ môi trường vì không phải in phim cận lâm sàng cho bệnh nhân nội trú, không mất diện tích kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy, đồng thời là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh do bác sĩ nắm bắt được toàn bộ lịch sử khám, chữa bệnh. Hiện nay, tại các trạm y tế, phần mềm HIS cũng đã được triển khai, tiến tới đăng kí chữ kí số… Hiệu quả trong công tác quản lí cũng rất rõ rệt do người quản lí có sự bao quát tổng thể, giám sát toàn diện. Nhân lực cho việc làm các thủ tục hành chính cũng được tiết kiệm do các thủ tục hành chính như: Giấy ra viện, giấy chuyển viện được thực hiện kí số…

Các buổi họp nắm bắt các yêu cầu từ các khoa lâm sàng được tổ chức định kỳ hàng tuần bao gồm lãnh đạo bệnh viện, Ban chuyển đổi số, các bác sĩ, điều dưỡng và bộ phận hành chính. Cho đến nay, gần như các module trong hồ sơ bệnh án đã được làm xong và hoạt động suôn sẻ. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin như dùng điện thoại di động quét mã QR đăng nhập phần mềm hướng dẫn điểm đến trong bệnh viện, truy cập nhanh chóng các phiếu tóm tắt thông tin điều trị, phiếu đóng góp ý kiến của người bệnh được triển khai đến từng phòng bệnh. Bệnh viện cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hướng dẫn khách hàng về các thông tin như lịch khám, chi phí, những điều cần lưu ý qua thăm khám trong hệ thống tư vấn trực tuyến qua website, fanpage.

Bệnh án điện tử là xu hướng tất yếu trong lộ trình chuyển đổi số y tế. Đây là tiền đề quan trọng hướng tới xây dựng các bệnh viện 3 không: Không giấy tờ, không xếp hàng, không tiền mặt. Mô hình bệnh án điện tử tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong đã được nhiều bệnh viện, cơ sở y tế cùng tuyến đến học hỏi kinh nghiệm nhằm xây dựng lộ trình hiệu quả cho đích đến số hoá ngành Y.

Phương Nhiên