Thống kê truy cập

Online : 4392
Đã truy cập : 151065633

Triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng

25/10/2024 09:28 Số lượt xem: 42

Vắc xin TD hay còn gọi là vắc xin uốn ván - bạch hầu. Vắc xin này được chỉ định để phòng bạch hầu, uốn ván cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên.

Triển khai tiêm vắc xin uốn ván- bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở  rộng - CDC Tây Ninh

Với mục tiêu hơn 90% trẻ 7 tuổi trên toàn quốc được tiêm vắc xin uốn ván – bạch hầu Td, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin Td trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương căn cứ hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch triển khai tiêm trong quý IV/2024. Việc tiêm vắc xin Td sẽ được thực hiện tại trường học hoặc tại cơ sở y tế hay tiêm chủng lưu động ở các địa bàn đi lại khó khăn, vùng sâu, vùng xa đảm bảo sử dụng vắc xin tiêm chủng an toàn, hiệu quả, đúng mục đích...

Thực hiện công văn số 940/DP-TC ngày 24/9/2024 về việc triển khai vắc xin uốn ván- bạch hầu (Td) trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2024 của Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế; Công văn số 1882/VSDTTƯ-TCQG ngày 17/10/2024 về việc Hướng dẫn triển khai vắc xin uốn ván – bạch hầu trong Chương trình TCMR của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Căn cứ công văn số 1910/VSDTTƯ-TCQG ngày 21/10/2024 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động truyền thông về vắc xin uốn ván – bạch hầu (Td) trong Chương trình TCMR như sau:

Về nội dung truyền thông tập trung truyền thông: Tình hình dịch bệnh và sự cần thiết phải triển khai tiêm chủng vắc xin Td; thông tin về vắc xin Td; khuyến cáo trước, trong và sau tiêm chủng; thông điệp truyền thông chủ chốt; hình thức triển khai tiêm chủng Td trong Chương trình TCMR; kế hoạch triển khai tiêm vắc xin của Bộ Y tế và của địa phương.

Theo đó, ban hành văn bản hướng dẫn mạng lưới truyền thông tuyến cơ sở, trường tiểu học thực hiện truyền thông về vắc xin Td cho cộng đồng và trường học phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, xây dựng các sản phẩm truyền thông: Chủ động sản xuất, cung cấp các sản phẩm truyền thông dạng in ấn hoặc điện tử cho các đơn vị liên quan, mạng lưới truyền thông tuyến dưới. Đăng tải các sản phẩm truyền thông trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội các nền tảng truyền thông số do đơn vị quản lý. Nguồn tài liệu tham khảo: Cập nhật các thông tin/tài liệu truyền thông trên http://t5g.org.vn

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, trường học: Phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh – truyền hình cung cấp thông tin, nôi dung truyền thông về vắc xin Td trong thời gian triển khai các đợt tiêm chủng tại trường học, trạm y tế xã và các điểm tiêm lưu động. Phối hợp với trường tổ chức tập huấn cho các giáo viên, người làm công tác y tế trường học trên địa bàn các nội dung về vắc xin Td. Tại mỗi cơ sở giáo dục tiểu học có tổ chức triển khai tiêm chủng cần tập trung truyền thông sau: Tư vấn cho cha mẹ học sinh, học sinh trong các buổi họp phụ huynh, sinh hoạt ngoại khóa, treo dán áp phích tại bảng tin nhà trường, hành lang lớp học, phòng y tế trường và tờ rơi, tài liệu inforgraphic qua nhóm zalo, phối hợp với trung tâm y tế quận/huyện, trạm y tế xã/phường/thị trấn tổ chức các chiến dịch truyền thông tại trường phù hợp với điều kiện thực tế.

Tăng cường truyền thông trên hệ thống loa phát thanh của xã/phường, thôn, ấp/bản để thông tin đến các hộ gia đình có con đủ 7 tuổi biết được lợi ích, lịch tiêm, địa điểm tiêm chủng… Tổ chức truyền thông tại trạm y tế xã thông qua loa phát thanh của trạm, góc truyền thông, phát tờ rơi, treo áp phích có in các thông điệp do CDC tỉnh/TP cung cấp. Trạm Y tế xã hướng dẫn đội ngũ Y tế thôn bản/cộng tác viên dân số/cộng tác viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng thăm hộ gia đình đối với các gia đình có trẻ đủ 7 tuổi để cung cấp thông tin và vận động, nhắc nhở cha mẹ và người chăm sóc trẻ đưa trẻ đi tiêm vắc xin Td. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến nội dung thông tin về tiêm chủng vắc xin Td thông qua nói chuyện, sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe,…

Tổ chức giám sát các hoạt động truyền thông tại một số điểm tiêm chủng: tại trường học, tại trạm y tế và điểm tiêm chủng lưu động.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở vùng mũi, họng,... Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp hoặc lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn... có chứa mầm bệnh. Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ vì trụy tim mạch.

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây ra. Bệnh lây chủ yếu qua da và niêm mạc tổn thương. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng với tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 30-50%; trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong rất cao.

Tiêm vắc xin bạch hầu - uốn ván Td là phương pháp phòng tránh bệnh uốn ván, bạch hầu có hiệu quả./

Nguyễn Oanh