Thống kê truy cập

Online : 3369
Đã truy cập : 150750397

TTYT huyện Gia Bình cứu sống bệnh nhân trụy mạch, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, suy thận cấp bằng phương pháp lọc máu

13/06/2023 13:49 Số lượt xem: 519

Trung tâm y tế (TTYT) huyện Gia Bình vừa cứu sống bệnh nhân nữ cao tuổi bị suy hô hấp, trụy mạch, hôn mê do tưang áp lực thẩm thấu, suy thận cấp bằng phương pháp lọc máu cấp cứu. Đây là một trong những ca bệnh nặng, phức tạp bởi không chỉ có các bệnh cấp tính, bệnh nhân còn có bệnh nền đái tháo đường tuyp 2, tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Các bác sĩ cho biết, chính đái tháo đường không được kiểm soát tốt đã gây ra biến chứng nặng là suy thận cấp và tăng áp lực thẩm thấu, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Bà Bùi Thị H. (67 tuổi) ở thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình nhập viện cấp cứu tại TTYT huyện Gia Bình lúc 14h30 ngày 24/5 trong tình trạng hôn mê, da tím tái, niêm mạc nhợt, liệt ½ người trái, huyết áp không đo được, mạch nhanh, khó bắt. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não 3 năm nay, liệt ½ người trái và đang điều trị bệnh đái tháo đường tuyp 2. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện cận lâm sàng và chẩn đoán xác định suy hô hấp, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu trên nền bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 và tai biến mạch máu não cũ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Việt, Khoa Hồi sức cấp cứu - Thận lọc máu - Phẫu thuật - Gây mê hồi sức cho biết: “Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, xác định sơ bộ bệnh nhân gặp phải biến chứng của đái tháo đường gây ra các tình trạng cấp tính trên, bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, không tiểu được. Chúng tôi kiểm tra đường huyết qua test nhanh nhưng không thể đo được vì quá tải, xét nghiệm máu cho kết quả đường huyết lên đến gần 40 (trong khi mức đường huyết của người bình thường là khoảng 4 – 6), ure trong máu tăng 32 (mức bình thường là dưới 7), creatinin 350 (trong khi mức bình thường ở phụ nữ chỉ gần 90), điện giải đồ cho kết quả kali tăng rất cao, natri ở mức thấp hơn rất nhiều so với người bình thường. Xác định bệnh nhân bị suy thận cấp, các bác sĩ đã triển khai hồi sức cấp cứu, cho bệnh nhân thở oxy, truyền bơm tiêm điện thuốc tiểu đường để kiểm soát đường máu theo phác đồ, kiểm soát huyết động. Thế nhưng tình trạng bệnh nhân chưa cải thiện nhiều, vẫn duy trì hôn mê sâu, huyết áp xuống thấp 70/40mmHg. Vì vậy, kíp trực đã xin hội chẩn lãnh đạo và đề ra hướng xử trí là lọc máu cấp cứu”.

Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu và thận lọc máu, bệnh nhân đã được triển khai lọc máu thành công. Tuy nhiên, do lọc máu cấp cứu, bệnh nhân lại trong tình trạng rất nặng, diễn biến nhiều, trước và trong quá trình lọc, huyết áp bệnh nhân không ổn định, có lúc xuống đến 60/40mmHg. Kíp trực gồm 2 bác sĩ, 2 kĩ thuật viên đã thường trực 24/24 theo dõi sát diễn biến của người bệnh, sử dụng vận mạch và các biện pháp y khoa để duy trì huyết áp và toàn trạng bệnh nhân ổn định trong suốt 4 giờ lọc máu. Sau khi tình trạng bệnh nhân tỉnh táo hơn, có đáp ứng hơn trong giao tiếp, các bác sĩ kết thúc lọc máu, tiếp tục kiểm soát đường máu và duy trì huyết động ổn định, chuyển bệnh nhân sang hồi sức để tiếp tục điều trị bằng thuốc.

Phương pháp lọc máu trong hồi sức được xem là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực hồi sức tích cực - chống độc. Đây là phương pháp được thực hiện nhằm lọc ra khỏi máu các chất độc nội sinh hoặc ngoại sinh, dịch, điện giải,... Lọc máu được thực hiện trong các trường hợp cấp cứu bệnh nhân nặng bị suy thậnsuy gan, suy tim nặng, rối loạn đông máu, viêm tụy cấp, suy đa tạng,... Nhờ có lọc máu trong hồi sức, tỉ lệ cứu sống bệnh nhân cao hơn rất nhiều so với trước kia. Bệnh nhân H. được xem là một trong những ca nặng nhất được lọc máu thành công tại TTYT huyện Gia Bình, giúp người bệnh được điều trị hiệu quả ngay tại tuyến huyện mà không phải chuyển lên tuyến trên. Không những vậy, đây còn là cột mốc đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu của Trung tâm, khẳng định năng lực và chuyên môn của các y bác sĩ địa phương trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thân Hảo