Thống kê truy cập

Online : 3461
Đã truy cập : 150760623

TTYT tuyến huyện đầu tiên triển khai bệnh án điện tử

04/04/2023 07:18 Số lượt xem: 713

Sau 1 năm thí điểm và tiếp tục hoàn thiện các nội dung liên quan, cuối tháng 3/2023 vừa qua, TTYT huyện Yên Phong đã được Hội đồng chuyên môn thẩm định đạt điều kiện triển khai bệnh án điện tử (BAĐT). Như vậy, sau Bệnh viện Sản Nhi, TTYT huyện Yên Phong là đơn vị thứ 2 trong ngành y tế và là đơn vị TTYT tuyến huyện đầu tiên của tỉnh triển khai thành công BAĐT, hướng tới mô hình bệnh viện không giấy tờ.

* Rút ngắn các thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh

Chị Nguyễn Thị Hòa (thôn Đại Lâm, xã Tam Đa) đến TTYT huyện Yên Phong khám bệnh và lần đầu tiên được sử dụng các tiện ích mà Kiot thông minh đặt tại sảnh khu vực phòng khám mang lại. Mặc dù biết các cơ sở y tế cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhưng chị không ngờ TTYT huyện cũng áp dụng được những tiện ích hiện đại như vậy. Không chỉ được đăng kí khám chữa bệnh bằng máy, với mã bệnh nhân được cấp, khi sử dụng Kiot thông minh, chị Hòa hoàn toàn chủ động trong việc tra cứu các kết quả cận lâm sàng như (xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang, siêu âm…), tra cứu lịch sử khám – điều trị, bảng giá dịch vụ đến việc phản hồi hài lòng – không hài lòng về chất lượng dịch vụ tại đơn vị.

Kiot thông minh được đặt ngay tại sảnh khoa khám bệnh giúp người bệnh có thể tự tra cứu các thông tin liên quan đến việc khám bệnh của mình

Với trung bình 600 bệnh nhân khám bệnh/ngày, TTYT huyện Yên Phong bố trí các máy lấy số tự động, giúp người dân không phải chờ đợi trong khâu xếp hàng lấy số. Đặc biệt với gần 8000 bệnh nhân đang quản lí ngoại trú các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính…đơn vị bố trí riêng một máy đăng kí khám cho những đối tượng này. Ông Chu Văn Hoạch ở thôn Nguyệt Cầu, xã Tam Giang đã có 6 năm quản lí bệnh đái tháo đường tại TTYT Yên Phong cho biết, chỉ cần có thẻ BHYT, thao tác quẹt thẻ tự động và bấm chọn phòng khám là đã hoàn tất khâu đăng kí khám. Nhanh gọn, thuận lợi và rất dễ sử dụng nên hầu hết tất cả bệnh nhân quản lí ngoại trú mặc dù là người cao tuổi nhưng đều thực hiện thành thạo. Không chỉ vậy, tại cửa các phòng khám đều bố trí bảng điện tử, hiển thị chi tiết số thứ tự bệnh nhân khám nên người bệnh có thể tranh thủ khi chưa đến lượt để ra ngoài đi dạo hoặc thực hiện nhu cầu cá nhân khác.

Với việc theo dõi trên bệnh án điện tử, bệnh nhân mạn tính hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám hàng tháng để có tham vấn với bác sĩ dễ dàng hơn. Đặc biệt, với những chức năng tra cứu thông tin về khám chữa bệnh, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lí thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình; lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn, từ đó chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Cũng trong lộ trình triển khai bệnh án điện tử, TTYT huyện Yên Phong đang tích cực triển khai việc ứng dụng phần mềm đăng kí khám bệnh từ xa cho người dân.

Chỉ với một động tác quẹt thẻ và thao tác trên máy, bệnh nhân quản lí ngoại trú các bệnh mạn tính đã có thể chủ động trong việc đăng kí khám bệnh

* Thuận lợi cho cán bộ y tế và công tác quản lí bệnh viện

Việc ứng dụng bệnh án điện tử tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong còn giúp ích rất lớn cho các y, bác sĩ trong công tác chuyên môn. Bệnh án điện tử giúp khắc phục hoàn toàn những hạn chế của bệnh án giấy như: mất thời gian, tốn diện tích kho lưu trữ, khó khăn trong vấn đề tìm kiếm, tra cứu cũng như những sai lệch khi toàn bộ thông tin từ khám, chẩn đoán, điều trị…đều phải ghi chép bằng tay. Với bệnh án điện tử, tất cả các khoa, phòng đều sử dụng thống nhất và liên kết, bệnh nhân được quản lí bằng mã số và lưu trữ khoa học…nên không những tiết kiệm thời gian, lại hạn chế tối đa vấn đề sai sót y khoa, vô cùng thuận tiện khi cần tra cứu, trích xuất số liệu. Bên cạnh đó, TTYT Yên Phong còn triển khai ứng dụng quản lí điều trị trên app điện thoại di động giúp các bác sĩ có thể tra cứu, giải thích và tư vấn cho người bệnh ngay tại giường bệnh.

Các phòng khám đều được bố trí màn hình hiển thị số thứ tự khám để người bệnh chủ động theo dõi

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Khoa Nội, TTYT huyện Yên Phong cho biết, việc có thể tra cứu hồ sơ bệnh án của người bệnh ngay trên điện thoại cá nhân giúp công tác trao đổi, giải thích và tư vấn cho người bệnh dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều. Tất cả kết quả xét cận lâm sàng của bệnh nhân đều được số hóa nên bác sĩ có thể mở ngay tại giường bệnh cho người bệnh xem, giải thích về tình trạng bệnh, tư vấn sự thay đổi hay tiến triển bệnh thông qua các chỉ số, từ đó người bệnh cảm thấy hài lòng và yên tâm hơn nhiều. Nếu như bệnh án giấy, sau khi thăm khám rất nhiều bệnh nhân, về phòng làm việc bác sĩ mới có thể chỉ định thuốc hay dịch vụ y tế, có thể xảy ra sai sót nhưng chỉ định ngay trên ứng dụng tại giường bệnh sẽ khắc phục được tình trạng này. Trong việc kê đơn thuốc, kết hợp với khoa dược, có những thuốc sẽ có cảnh báo chống chỉ định, trường hợp được dùng hay không được dùng sẽ thuận lợi hơn cho bác sĩ trong vấn đề này.

Triển khai ứng dụng quản lí điều trị trên app điện thoại di động giúp các bác sĩ có thể tra cứu, giải thích và tư vấn cho người bệnh ngay tại giường bệnh

Để đáp ứng các tiêu chí triển khai BAĐT theo Thông tư 46 và Thông tư 54 của Bộ Y tế, TTYT huyện Yên Phong đã đầu tư trang bị thêm 2 hệ thống server chạy ứng dụng, 2 hệ thống lưu trữ dữ liệu và trang bị hệ thống tường lửa đạt yêu cầu để đảm bảo an toàn thông tin. Bên cạnh vấn đề về hạ tầng, cơ sở, đơn vị cũng nâng cấp các hệ thống phầm mềm như hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), trang bị thêm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) và tổng thể là trang bị hệ thống BAĐT (EMR). Với 125 máy tính trải đều khắp các khoa, phòng chuyên môn trong đơn vị, hiện tất cả các tiêu chí về chuyên môn liên quan đến BAĐT tại TTYT huyện Yên Phong đều đã đạt yêu cầu.

TTYT huyện Yên Phong đầu tư trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng và các hệ thống phần mềm liên quan để triển khai BAĐT

Bác sĩ CKII Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc TTYT huyện Yên Phong nhấn mạnh nhờ có BAĐT, toàn bộ thông tin y tế từ dữ liệu khám chữa bệnh, hệ thống vật tư, trang thiết bị, xét nghiệm, thuốc men, thanh toán…trong đơn vị được liên thông trên hệ thống số, việc quản lí bệnh nhân điều trị ngoại trú cũng như nội trú được thông suốt, các dữ liệu được đẩy theo một hệ thống trình tự để tham gia giám định BHYT cũng như các báo cáo. Nhờ đó việc quản lí bệnh viện được thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều, nhất là trong công tác tra cứu thông tin, trích xuất số liệu. Việc số hóa, không phải liên quan đến ghi chép bệnh án giấy cũng giúp rút được một phần cán bộ để làm những công việc y tế khác, giúp bệnh nhân thuận lợi, nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ, giảm thời gian chờ đợi trong khám chữa bệnh. Để tiếp tục đáp ứng công tác chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai BAĐT, thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, các máy tính trạm, các hệ thống modun phục vụ khám chữa bệnh và quản lí bệnh viện theo nhu cầu chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tập trung chú trọng đào tạo cán bộ tiếp cận tốt hơn nữa với các hệ thống công nghệ thông tin, từ đó tiến tới xây dựng hoàn toàn bệnh viện không giấy tờ.

Với hơn 600 bệnh nhân khám bệnh, gần 200 bệnh nhân điều trị nội trú một ngày, việc ứng dụng bệnh án điện tử không những mang lại lợi ích cho người bệnh, mà với cán bộ y tế và đặc biệt là với công tác quản lí bệnh viện, đây được coi là một bước đột phá lớn. Mặc dù vẫn còn những bất cập trong quá trình triển khai, nhất là khó khăn do cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn hạn chế; nhưng mỗi cán bộ y tế của TTYT huyện Yên Phong vẫn đang từng ngày cố gắng nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, rèn luyện chuyên môn, y đức và trau dồi khả năng công nghệ thông tin để bắt kịp xu thế chuyển đổi số, để việc triển khai bệnh án điện tử tại đơn vị mang lại những kết quả tích cực, phục vụ thiết thực công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn

Phương Thảo