Thống kê truy cập

Online : 2627
Đã truy cập : 150722982

Xây dựng và ban hành kế hoạch chủ động phòng, chống dịch sởi

28/06/2024 08:43 Số lượt xem: 16

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ, dễ lây lan thành dịch và để lại nhiều di chứng, biến chứng. Nếu chưa có miễn dịch, 90% virus sởi có thể lây truyền thông qua đường hô hấp. Trong số các biện pháp chủ động phòng bệnh, tiêm vắc xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sởi hoặc lây bệnh sang người khác. Đại dịch COVID-19 và gián đoạn cung cấp dịch vụ tiêm chủng khiến tỉ lệ tiêm chủng nói chung và tiêm vắc xin sởi nói riêng giảm. Mặt khác, dịch sởi mang tính chu kì 4-5 năm sẽ bùng phát 1 lần, nước ta đã ghi nhận 2 đợt dịch sởi trên quy mô lớn vào năm 2014 và 2019. Năm 2024 đúng vào chu kì 5 năm của bệnh nên nguy cơ dịch sởi xảy ra là rất lớn.

Trước những thực tế đó, Sở Y tế xây dựng và ban hành kế hoạch chủ động phòng, chống dịch sởi năm 2024 với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, diễn biến nặng và tử vong do dịch bệnh sởi trên địa bàn. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý, khống chế dịch kịp thời không để dịch sởi bùng phát góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có đề xuất một số chỉ tiêu cụ thể như: 100% ca bệnh, ổ dịch mới phát sinh được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, không để ổ dịch lan rộng, kéo dài; 100% các trường hợp nghi sởi/rubella tản phát được lấy mẫu xét nghiệm; đối với ổ dịch/dịch sởi, lấy mẫu ít nhất 80% các trường hợp mắc/nghi mắc; đảm bảo tỷ lệ tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi, sởi/rubella đạt trên 95%.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Sở Y tế tham mưu, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở điều trị và cơ sở y tế dự phòng trong công tác phòng, chống dịch sởi. Tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng và  triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch sởi trên địa bàn, chủ động đáp ứng trong mọi tình huống. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên Thế giới cũng như các địa phương khác, để kịp thời tham mưu chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Về chuyên môn, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và TTYT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch không để dịch lan rộng. Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên phòng chống dịch trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh, ổ dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch. Công tác giám sát dịch tễ thường quy và chủ động thực hiện đúng theo quy định của Bộ  Y tế, trọng tâm vào giám sát bệnh nhân, giám sát huyết thanh, vi rút tại bệnh viện và cộng đồng nhằm phát hiện sớm và đề ra các biện pháp can thiệp, xử lý, ngăn chặn sự bùng phát dịch kịp thời và hiệu quả.       Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát bệnh truyền nhiễm. Hoàn thiện phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý tiêm chủng tại 126 xã, phường, thị trấn. Tăng cường năng lực xét nghiệm, đảm bảo an toàn sinh học tại các phòng xét nghiệm.

Để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế thường xuyên cập nhật về phác đồ điều trị bệnh sởi/rubella. Tổ chức phân loại người mắc bệnh truyền nhiễm theo nguy cơ để quản lý, theo dõi, chuyển tuyến kịp thời khi diễn biến nặng. Phối hợp chặt chẽ giữa các khoa khám bệnh và các khoa khối dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán tác nhân gây bệnh. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân để giảm tử vong.

Riêng với công tác tiêm chủng vắc xin, ngành đặc biệt trọng tâm yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các TTYT huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng Kế hoạch tiêm bù, tiêm vét vắc xin Sởi, Sởi-rubella theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tiêm chủng, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu 95% trẻ em đang sinh sống trên địa bàn bị bỏ sót tiêm vắc xin sởi, sởi/rubella trong năm 2021-2023, được tiêm chủng bù liều. Phạm vi triển khai là toàn bộ 126 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; đối tượng là trẻ được xác định bỏ sót mũi vắc xin Sởi, Sởi-rubella từ năm 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ được tiêm chủng bù liều. Dự kiến sẽ có 547 trẻ bị bỏ sót tiêm vắc xin Sởi, 1.688 trẻ bị bỏ sót tiêm vắc xin Sởi – rubella được triển khai tiêm bù trong quý III và quý IV năm 2024.

Do số lượng ít nên hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho trẻ bỏ sót mũi vắc xin Sởi, Sởi-rubella từ năm 2021-2023 được lồng ghép với đợt tiêm chủng thường xuyên cùng với các vắc xin khác trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế. Lịch tiêm bù, vắc xin Sởi có thể chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên mà không có giới hạn trên về tuổi cho trẻ lớn cũng như người lớn. Vắc xin Sởi-rubella có thể tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, không có giới hạn trên về tuổi cho trẻ lớn và người lớn. Trẻ từ 18 tháng tuổi bỏ sót mũi Sởi/Sởi-rubella được tiêm chủng bù liều bằng vắc xin Sởi-rubella. Căn cứ vào số lượng đối tượng, độ tuổi khi tham gia tiêm…các đối tượng trên đều đạt trên 18 tháng tuổi. Để thuận lợi cũng như tiết kiệm vắc xin, vật tư…đề xuất 100% số đối tượng trên được tiêm bù, tiêm vét bằng 1 liều vắc xin MR trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Song song với các hoạt động chuyên môn, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng được thực hiện thường xuyên, nhằm cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch sởi, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch sởi. Đặc biệt trọng tâm vào lợi ích tiêm chủng để vận động nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, tiêm bù liều, phối hợp và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Xác định công tác phòng, chống dịch trên cộng đồng phải dựa vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm trung tâm cho các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường truyền thông, thông tin đến đông đảo nhân dân để nhân dân hiểu, an tâm, hướng ứng, phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Để Kế hoạch được triển khai đảm bảo hiệu quả, ngành Y tế cũng phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là công tác tiêm chủng trong trường học cũng như việc rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

Nguyễn Huệ