bn-current-user-online-portlet

Online : 2576
Total visited : 150303016

Nghị định về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng

03/02/2021 09:48 View Count: 475

Ngày 26/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Nghị định số 06/2021/NĐ-CP bao gồm 5 chương với 54 Điều và 9 phụ lục.

- Chương I – Những quy định chung, từ Điều 1 đến Điều 9.

- Chương II. Quản lý thi công XDCT, từ Điều 10 đến Điều 27.

- Chương III. Bảo hành, bảo trì, phá dỡ công trình từ Điều 28 đến Điều 42.

- Chương IV. Sự cố trong thi công và khai thác sử dụng CT, từ Điều 43 đến Điều 51.

- Chương V. Điều khoản thi hành, từ Điều 52 đến Điều 54.

- Phần Phụ lục gồm :

+ Phụ lục I - Phân loại công trình theo công năng sử dụng.

+ Phụ lục II- Nhật ký thi công XDCT và Bản vẽ hoàn công.

+ Phụ lục III- Kế hoạch tổng hợp về an toàn.

+ Phụ lục IV- Báo cáo về công tác giám sát thi công XDCT.

+ Phụ lục V, gồm các nội dung về thông báo khởi công hạng mục CTXD, CTXD.

+ Phụ lục VI- Hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, CTXD.

+ Phụ lục VII – Về thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, CTXD.

+ Phụ lục VIII- Danh mục công trình lớn, kỹ thuật phức tạp (trong đó với đường bộ, chỉ các công trình đường ô tô cao tốc ≥ 100 km/h, cầu có nhịp kết cấu lớn nhất ≥ 150 m và hầm giao thông có chiều dài ≥ 1500 m mới thuộc danh mục công trình lớn, có kỹ thuật phức tạp).

+ Phụ lục IX – Danh mục HS phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình.

 

Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy Nghị định có một số nội dung mới liên quan đến bảo trì công trình xây dựng, quản lý bảo trì dự án BOT:

1- Về phạm vi áp dụng (Điều 1): Nghị định này quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì CTXD.

2- Về giải thích từ ngữ (Điều 2) có một số lưu ý sau :

a) Về khái niệm bảo trì công trình, tại Khoản 13 quy định : “Bảo trì công trình xây dựng là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng. Nội dung bảo trì CTXD có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau : kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình; bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị công trình để việc khai thác sử dụng đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình”.

b) Các khái niệm liên quan đến tuổi thọ công trình:

- Khoản 15 : “ Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình (tuổi thọ thiết kế) là khoảng thời gian công trình được dự kiến sử dụng, đảm bảo yêu cầu về an toàn và công năng sử dụng. Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng có liên quan, nhiệm vụ thiết kế XDCT ”;

- Khoản 16 : “ Thời hạn sử dụng thực tế của công trình (tuổi thọ thực tế) là khoảng thời gian công trình được sử dụng thực tế, đảm bảo yêu cầu về an toàn và công năng sử dụng ”.

c) Về khái niệm đánh giá định kỳ về an toàn công trình, tại Khoản 22 quy định : “ Đánh giá định kỳ về AT của CTXD (sau đây gọi là đánh giá ATCT) là hoạt động xem xét, đánh giá định kỳ khả năng chịu lực và các điều kiện để công trình được khai thác sử dụng an toàn”.

3. Các quy định về phân loại, phân cấp công trình (Điều 3) cũng có nhiều nội dung mới, cụ thể hơn so với quy định trước đây,

4. Các quy định về thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quan trắc, trắc đạc CTXD, các quy định về thí nghiệm đối chướng, kiểm định XD, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình được quy định tại Điều 4 và 5 của Nghị định. Đáng chú ý, Nghị định mới đã quy định thử nghiệm khả năng chịu lực của KCCT- Đây là các nội dung thử tải (tĩnh tải, hoạt tải) và các nội dung khác mà ngành đường bộ thường thực hiện đối với cầu để xác định khả năng khai thác và các mục đích khác trước, trong quá trình khai thác hoặc khi cần sửa chữa.

Các quy định về nội dung, thẩm quyền giám định xây dựng và trách nhiệm chi trả chi phí giám định XD được quy định tại Điều 6.

7. Tại Điều 7 quy định phân định trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia quản lý XDCT. Trong đó làm rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư, Chủ đầu tư và Ban QLDA khi thành lập Ban QLDA, nhà thầu thi công, các nhà thầu tư vấn vv... phù hợp với từng hình thức đầu tư, hình thức QLDA; phân định trách nhiệm trong trường hợp dự án PPP, theo đó : Doanh nghiệp PPP thực hiện trách nhiệm như chủ đầu tư theo quy định của Nghị định này; Cơ quan NNCTQ ký hợp đồng dự án thực hhiện một số trách nhiệm, quy định trách nhiệm khi CQNNCTQ ủy quyền cho cơ quan ký kết hợp đồng...

8. Các nội dung về quản lý thi công XDCT được quy định tại Chương II, từ Điều 10 đến Điều 27.

9. Phần bảo hành quy định tại 2 điều sau :

a) Điều 28 - Yêu cầu bảo hành CTXD có một số lưu ý về việc có thể kéo dài đối với thời hạn bảo hành hạng mục đã sửa chữa trong thời gian bảo hành; Về thời hạn bảo hành và mức tiền bảo hành cơ bản như quy định trước đây.

b) Điều 29 quy định về trách nhiệm các chủ thể trong bảo hành CTXD, có các quy định chủ yếu về trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình khi phát hiện hư hỏng thông báo cho chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thực hiện bảo hành (sửa chữa, thay thế vv...) - khoản 1; trách nhiệm của nhà thầu trong thực hiện bảo hành khi được thông báo yêu cầu bảo hành (khoản 2); Quyền từ chối thực hiện bảo hành của nhà thầu đối với một số trường hợp phát sinh không phải lỗi của nhà thầu hoặc do nguyên nhân bất khả kháng được quy định trong hợp đồng (khoản 3) – Đây là một nội dung thường tranh chấp giữa chủ đầu tư, người quản lý sử dụng công trình và nhà thầu, do đó đề nghị các cơ quan nghiên cứu kỹ nội dung này; Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu XD, nhà cung cấp thiết bị (khoản 4); Các nội dung và thành phần xác nhận hết bảo hành, trong đó có trách nhiệm của chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình trong việc tham gia xác nhận hoàn thành bảo hành CTXD của nhà thầun XD, nhà thầu cung cấp lắp đặt thiết bị (khoản 5) ; Quy định các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công XD, cung cấp lắp đặt thiết bị và nhà thầu khác chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành (khoản 6).

10. Phần bảo trì công trình xây dựng quy định từ Điều 30 đến Điều 35, trong đó có một số lưu ý:

a) Điều 30 quy định về trình tự thực hiện bảo trì, gồm 5 khoản: Lập duyệt quy trình, kế hoạch và dự toán bảo trì; thực hiện bảo trì và quản lý chất lượng bảo trì; Đánh giá an toàn công trình (NĐ 46 cũ chỉ quy định đánh giá AT chịu lực); Lập và quản lý HS bảo trì. Như vậy các nội dung trên cơ bản như NĐ 46, chỉ khác ở nội dung đánh giá an toàn như đã nêu.

b) Điều 31 Quy trình bảo trì công trình, có một số nội dung mới so với Điều 38 của Nghị định 46/2015/NĐ-CP, trong đó có các điểm mới như : (1) Quy định thời hạn sử dụng của công trình, các bộ phận, hạng mục công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình; (2) Quy định nội dung, phương pháp và thời điểm đánh giá lần đầu, tần suất đánh giá đối với công trình phải đánh giá AT trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dung và quy định của pháp luật có liên quan; (3) Quy định về hồ sơ bảo trì CTXD và việc cập nhật vào hồ sơ bảo trì CTXD.

Ngoài các nội dung mới nêu trên, khoản 1 Điều 31 còn quy định các nội dung khác của Quy trình bảo trì CTXD.

Khoản 2 Điều này quy định về trách nhiệm lập quy trình bảo trì. Nội dung khoản này cơ bản như quy định của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

Khoản 3 có quy định rõ hơn việc lập quy trình của công trình đã đưa vào khai thác sử dụng thì phải xác định thời gian sử dụng còn lại của công trình, bộ phận, hạng mục công trình, thiết bị lắp vào công trình.

Các khoản 4, 5 và 6 quy định trường hợp không phải lập quy trình đối với công trình cấp III trở xuống (phân cấp theo pháp luật XD, không phải phân cấp theo Tiêu chuẩn thiết kế đường), sử dụng tiêu chuẩn bảo trì vv..p; quy định về điều chỉnh quy trình được quy định tương tự như Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

Dự án ĐTXD mở rộng và nâng cấp cầu Bồ Sơn, nút giao giữa QL.38 với QL.1A, TP. Bắc Ninh

c) Điều 32 - Kế hoạch bảo trì của Nghị định mới đã không còn phần quy định trình tự thủ tục thực hiện sửa chữa theo mức vốn dưới 500 triệu và từ 500 triệu trở lên như Điều 39 của Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

d) Điều 33 – Thực hiện bảo trì CTXD, trong đó: Khoản 1 quy định về quyền và trách nhiệm chủ sở hữu trong việc tự kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa CTXD, khoản 2 quy định về việc kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ, đột xuất, khoản 3 quy định về bảo dưỡng công trình thực hiện theo kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì được duyệt và khoản 4 quy định về sửa chữa công trình. Các nội dung tại 4 khoản cơ bản như quy định cũ tại Điều 40 Nghị định 46;

Khoản 5 quy định về kiểm định chất lượng công trình có thay đổi một số nội dung tại điểm b, khoản 6 quy định về quan trắc, khoản 7 quy định về công trình có nhiều chủ sở hữu (Ví dụ cầu đường sắt đi chung đường bộ, đập đê dùng cho cả giao thông và thủy lợi) cơ bản như Nghị đinh 46 trước đây.

Khoản 8 Điều 33 tiếp tục quy định : công trình chưa bàn giao cho chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện bảo trì CTXD.

đ) Điều 34 – Quản lý chất lượng công việc bảo trì. Nội dung Điều này có Khoản 1 quy định về kiểm tra công trình;

Khoản 2 quy định về bảo dưỡng công trình, trong đó lưu ý kết quả bảo dưỡng phải ghi chép, lập hồ sơ – Công việc này đối với CTĐB là ghi chép vào sổ nhật ký, sổ tuần đường, hồ sơ quản lý công trình, hồ sơ tài liệu bảo dưỡng và kết quả kiểm tra, nghiệm thu đánh giá chất lượng bảo dưỡng theo quy định của Bộ GTVT (Thông tư 04/2019/TT-BGTVT; Thông tư 48/2019/TT-BGTVT, Thông tư 37/2018/TT-BGTVT v.v...) và các quy định khác;

Khoản 3 quy định về giám sát, nghiệm thu công tác sửa chữa; lập, quản lý và lưu trữ hồ sơ sửa chữa CTXD...;

Khoản 4 quy định về thời hạn bảo hành, tỷ lệ % giá trị để bảo hành so với giá trị hợp đồng;

Khoản 5 quy định thỏa thuận bảo hành giữa chủ đầu tư và nhà thầu vv...;

Khoản 6 quy định về kiểm định chất lượng, quan trắc và quy định trường hợp cần thiết thì thuê tư vấn độc lập đánh giá kết quả kiểm định, đánh giá báo cáo kết quả quan trắc;

Khoản 7 quy định về tài liệu phục vụ bảo trì, trách nhiệm trong lập, bàn giao, bảo quản, lưu giữ hồ sơ phục vụ bảo trì;

Khoản 8 quy định cụ thể các loại hồ sơ bảo trì CTXD, nội dung quy định tương tự trước đây đã quy định tại khoản 9 Điều 41 Nghị định 46;

Bổ sung so với Nghị định 46 trước đây chưa có, cụ thể khoản 9 như sau :

 “9. Trường hợp áp dụng đầu tư XD dự án PPP:

a) Cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức thực hiện bảo trì CTXD của doanh nghiệp dự án PPP theo quy định của Nghị định này;

b) Doanh nghiệp dự án PPP có trách nhiệm tổ chức thực hiện chuyển giao công nghệ, bàn giao tài liệu phục vụ bảo trì, hồ sơ bảo trì CTXD cho cơ quan ký kết hợp đồng trước khi chuyển giao công trình theo quy định tại hợp đồng dự án”.

e) Điều 35 – Chi phí bảo trì CTXD,

Điều này có nhiều nội dung mới, đã tháo gỡ các khó khăn hiện nay. Trong đó có một số nội dung chính tóm tắt như sau:

- Khoản 1 quy định chung về chi phí bảo trì là toàn bộ các công việc được xác định theo các yêu cầu công việc cần thực hiện phù hợp với quy trình và kế hoạch bảo trì được duyệt vv...

- Khoản 2 quy định về nguồn vốn bảo trì, trong đó có nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn ngân sách NN dành cho chi thường xuyên hàng năm và các nguồn khác ngoài đầu tư công và nhiều nguồn khác.

- Khoản 3 có các quy định về các chi phí bảo trì:

+ Chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, trong đó có chi phí lập KH và dự toán bảo trì hàng năm; chi kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ; chi bảo dưỡng theo kế hoạch hàng năm; chi XD và vận hành cơ sở dữ liệu về bảo trì CTXD; chi phí lập và quản lý hồ sơ bảo trì CTXD. Đây là các nội dung mới bổ sung so với quy định trước chưa có.

+ Chi phí sửa chữa công trình (định kỳ, đột xuất), trong đó đặc biệt đã có cả chi phí thực hiện đối với “ trường hợp cần bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị công trình để việc khai thác sử dụng công trình đúng công năng và đảm bảo an toàn”.

+ Chi phí tư vấn phục vụ bảo trì cơ bản đã quy định đủ các loại chi cho các công việc tư vấn như công tác đầu tư XDCB, đồng thời có thêm các chi ở giai đoạn khai thác sử dụng công trình (như chi lập và điều chỉnh quy trình bảo trì, kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, đánh giá định kỳ an toàn CTXD vv....

+ Các chi khác đã có chi cho kiểm toán, thẩm tra phê duyệt quyết toán, bảo hiểm; phí thẩm định vv...

+ Đặc biệt có bổ sung “ Chi phí quản lý bảo trì của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình”. Tuy nhiên nội dung này cần được các Bộ quy định cụ thể, hướng dẫn tiếp.

- Khoản 4 quy định thủ tục thực hiện bảo trì CTXD có mức vốn dưới 500 triệu và từ 500 triệu trở lên khi sử dụng vốn ngân sách ngoài đầu tư công, vốn chi thường xuyên của nhà nước và một số nội dung khác. Nhưng quy định này cơ bản như trước đây đã quy định tại Điều 39 của Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

Nghị định 06/2021/NĐ-CP còn có nhiều quy định mới về quản lý chất lượng, thi công xây dựng tại Chương II; đánh giá an toàn quy định tại các Điều 36 đến Điều 39 (Mục 3) Chương III. Trong đó ngoài các nội dung đánh giá an toàn của kết cấu chịu lực chính và các bộ phận, Nghị định mới còn bổ sung các nội dung đánh giá : độ ồn, mức độ ô nhiễm của khói, bụi, các chất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; quy định về an toàn cháy nổ; kết quả kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các điều kiện an toàn khác – Các quy định này tháo gỡ nhiều cho thực tế, nhất là ngoài đánh giá an toàn chịu lực của cầu và các kết cấu chịu lực, quy định trên đã tạo điều kiện cho việc đánh giá an toàn vận hành công trình và thiết bị của hầm, cầu phao, bến phà, đánh giá an toàn khai thác mặt đường cao tốc vv... 

 Mục 4 Chương III gồm các Điều 40 đến Điều 42 quy định về xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, công trình hết thời hạn sử dụng, phá dỡ công trình xây dựng.

Chương IV – Sự cố trong thi công và khai thác, sử dụng công trình được quy định chi tiết từ Điều 43 đến Điều 51, trong đó Điều 43 quy định về cấp sự cố; Điều 44 quy định về Báo cáo sự cố công trình; Điều 45 – Giải quyết sự cố CTXD; Điều 46 –Giám định nguyên nhân sự cố; Điều 47 – Hồ sơ sự cố; Các Điều 48, 49, 50 và 51 quy định về sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công XDCT (bao gồm cả thi công sửa chữa công trình).

Chương V – Điều khoản thi hành

Tại Điều 52, trách nhiệm thi hành có quy định Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng (gồm cả Bộ GTVT) có trách nhiệm : Thực hiện quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này; hướng dẫn thực hiện các văn bản QPPL về quản lý chất lượng CTXD và an toàn trong XD áp dụng cho các công trình XD chuyên ngành; Tổ chức xây dựng và ban hành định mức bảo dưỡng đối với các công trình chuyên ngành – Như vậy, Bộ GTVT sẽ có thẩm quyền ban hành định mức bảo dưỡng các công trình đường bộ và các công trình giao thông khác, đối với các định mức xây dựng, sửa chữa, kiểm định, quan trắc thì Bộ Xây dựng mới có thẩm quyền ban hành. 

Khoản 3 Điều 52 còn quy định trách nhiệm của các Bộ trong việc kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình chuyên ngành thuộc quyền.

Điều 53 quy định về xử lý chuyển tiếp.

Điều 54 Tổ chức thực hiện, trong đó có quy định Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (ngày 26/01/2021) và thay thế Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Chi tiết Nghị định kèm theo.

 

Nguyễn Đức Thuận
Source: Phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng giao thông