bn-current-user-online-portlet

Online : 3518
Total visited : 150330200

Những điểm mới cơ bản của Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô

04/02/2020 09:09 View Count: 1836

Ngày 17/01/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 10) thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Tại Nghị định 10 trong phần giải thích từ ngữ đã nêu chi tiết từng loại hình kinh doanh vận tải, trong đó nêu rõ vận tải  hành khách bằng taxi là việc sử dụng xe có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính cước vận chuyển hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước.

Một điểm mới cơ bản là Nghị định 10 cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI", hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe. Nghị định 10 không bắt buộc taxi truyền thống và taxi công nghệ gắn hộp đèn trên nóc xe.  Cụ thể, tại điểm b, khoản 1, điều 6 của Nghị định 10 quy định: Ôtô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi (bao gồm taxi thanh toán bằng đồng hồ và taxi có sử dụng công cụ thanh toán, kết nối bằng ứng dụng điện tử) được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe, với kính thước tối thiểu là 12 cm x 30 cm, hoặc niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 6 cm x 20 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI".

Đối với loại hình taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), Nghị định 10 quy định trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Phần mềm tính tiền phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển.

Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất). Nghị định 86 quy định không quá 8 năm đối với đô thị loại đặc biệt.

Nghị định 10 cũng quy định trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

Đối với loại xe hợp đồng, Nghị định 10 quy định phải dán cố định phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và niêm yết các thông tin khác trên xe .Cụ thể, tại điểm a, điều 7 của nghị định quy định dán cố định phù hiệu "xe hợp đồng" trên kính phía trước và kính phía sau xe. Phù hợp làm bằng vật liệu phản quang, kích thước tối thiểu của cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" là 6 cm x 20 cm. Nghị định 10 quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết. Nghị định cũng bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải có giao diện phần mềm cung cấp cho hành khách hoặc người thuê vận tải phải thể hiện đầy đủ các thông tin về tên hoặc biểu trưng (logo), số điện thoại để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp của đơn vị kinh doanh vận tải. Tài xế xe kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có trách nhiệm cung cấp các thông tin của hợp đồng điện tử cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu.

Một điểm mới nữa là Nghị định 10 quy định nội dung lắp đặt camera để ghi hình lái xe và trên xe nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, hàng hóa:

- Trước 1/7/2021, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

- Trước 1/7/2021, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.

Nghị định 10 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020.

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Bộ được giao tại Nghị định 10, Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý nội dung dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (thay thế Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, Thông tư 60/2015/TT-BGTVT, Thông tư 92/2015/TT-Bộ GTVT)./.

Nguyễn Kim Toản
Source: Phòng An toàn giao thông