bn-current-user-online-portlet

Online : 3563
Total visited : 150673230

Quy định mới về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí liên quan đến hoạt động đăng kiểm tàu biển, công trình biển

26/12/2013 07:21 View Count: 84
Thông tư 156/2013/TT-BTC  có quy định về phí kiểm tra thiết bị nâng, xi téc, bình chịu áp lực. Mức phí này được các Trung tâm đăng kiểm xe giới áp dụng để thu đối với xe ô tô có lắp thiết bị nâng, xi téc, bình chịu áp lực.

Ngày 15/11/2013, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 165/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực đăng kiểm tàu biển, công trình biển; phí đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh tàu biển, công trình biển và phí phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động hàng hải thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Thông tư số 165/2013/TT-BTC thay thế Quyết định số 184/2003/QĐ-BTC ngày 04/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển và công trình biển thuộc phạm vi giám sát của Đăng kiểm Việt Nam, Quyết định số 12/2003/QĐ-BTC ngày 24/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng thiết bị, vật tư thuộc phạm vi giám sát của Đăng kiểm Việt Nam, Quyết định số 95/2004/QĐ-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tạm thời mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển, đánh giá và cấp giấy chứng nhận an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng và Quyết định số 77/BVGCP-CNTDDV ngày 11/08/1998 của Ban vật giá Chính phủ ban hành Biểu giá đánh giá Hệ thống quản lý an toàn cho công ty và tàu biển theo Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế.

 

      Thông tư chính thức có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01/01/2014.

Thông tư số 165/2013/TT-BTC là Thông tư tổng hợp về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong nhiều lĩnh vực đăng kiểm, đã có nhiều thay đổi cả về nội dung và hình thức so với các Quyết định ban hành về mức thu phí đăng kiểm trước đây. Cụ thể như sau:

1. Đối với lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng tàu biển và công trình biển thuộc phạm vi giám sát của Đăng kiểm Việt Nam về cơ bản, các quy định về tính phí đều giữ nguyên, chỉ điều chỉnh giá trị của một đơn vị phí tăng thêm 70% so với quy định trước đây (Đối với tàu biển thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam: α = 1.700 đồng; Đối với tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc mang cờ quốc tịch nước ngoài mang cấp của Đăng kiểm nước ngoài và công trình biển thuộc phạm vi giám sát của Cục Đăng kiểm Việt Nam: α = 0,50 Đô la Mỹ). Đồng thời, bổ sung quy định tính phí cho các tàu có trọng tải từ trên 22.000 đến trên 80.000GT hoặc có công suất máy chính từ trên 8.000 SN đến trên 30.000 SN; sửa đổi lại cách tính phí giám sát đóng mới phần nồi hơi tính theo sản lượng hơi (tấn/giờ). Ngoài ra, bổ sung một số quy định mới về phí giám sát đóng mới hệ thống tự động và điều khiển từ xa cho các tàu có cấp tự động M0.A, M0.B, M0.C, M0.D; kiểm tra phần vô tuyến điện đối với các tàu không trang bị theo GMDSS; hệ thống rửa bằng dầu thô đảm bảo thỏa mãn với phạm vi công việc được quy định trong Công ước quốc tế MARPOL73/78; phần ngăn ngừa ô nhiễm không khí; ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải; điều kiện sinh hoạt của thuyền viên và hệ thống chống hà của tàu…

2. Đối với lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng vật tư, thiết bị (gọi tắt là sản phẩm công nghiệp) lắp đặt trên tàu biển, công trình biển đã thay đổi hoàn toàn phương pháp tính phí theo quy định trước đây. Phí kiểm tra SPCN được tính theo đơn vị phí tiêu chuẩn với giá trị của một đơn vị phí được áp dụng như quy định đối với đăng kiểm tàu biển, công trình biển. Phí kiểm tra SPCN được chi tiết theo 31 nhóm vật tư, thiết bị và trong mỗi nhóm lại được chi tiết theo từng chủng loại cụ thể. Đây là phương pháp tính phí khoa học đã được Đăng kiểm Nhật Bản (NK) triển khai áp dụng trong nhiều năm gần đây. Ngoài ra, các quy định về phí đánh giá, chứng nhận năng lực cơ sở chế tạo, cung cấp dịch vụ, sửa chữa, bảo dưỡng, trạm thử, phòng thí nghiệm, phí kiểm tra chất lượng container, phí kiểm tra sản phẩm bằng phương pháp không phá hủy, phí kiểm tra chứng nhận thợ hàn, quy trình hàn cũng được đổi sang phương pháp tính theo đơn vị phí và được điều chỉnh để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Riêng phí kiểm tra thiết bị nâng, nồi hơi, bình chịu áp lực được áp dụng các hạng mục tương ứng đã được quy định tại phần phí đăng kiểm tàu biển, công trình biển.

Các loại hình kiểm tra, đánh giá các sản phẩm công nghiệp và các cơ sở chế tạo, sửa chữa, cung cấp dịch vụ, thử nghiệm của các lĩnh vực đăng kiểm khác có tính chất tương tự như đối với tàu biển, công trình biển do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện cũng được tính phí theo quy định tại Thông tư này.

3. Đối với lĩnh vực đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh tàu biển, công trình biển mức thu phí giữ nguyên như các quy định trước đây. Bổ sung mới mức phí phê duyệt, kiểm tra, đánh giá và chứng nhận lao động hàng hải (Phần II) theo quy định của Công ước Lao động hàng hải 2006 trên cơ sở ngang bằng với mức phí đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an ninh tàu biển, công trình biển theo quy định của Bộ luật ISPS.

Toàn văn Thông tư đính kèm theo./.

                                                                    


Le Ngoc Tuyen
Source: BBN