bn-current-user-online-portlet

Online : 3467
Total visited : 150745458

Sắp xếp lại các Ban QLDA: Thêm nhiều lợi ích

11/03/2013 09:22 View Count: 81
    Tới đây, Bộ GTVT sẽ tiến hành sắp xếp lại các Ban QLDA trực thuộc Tổng cục, Cục chuyên ngành. Đây được xem là việc làm đạt được rất nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc chuyên nghiệp hóa các đơn vị QLDA và nâng cao tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án giao thông.  
Sắp xếp lại các Ban QLDA để tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao tiến độ, chất lượng CTGT.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ quyết tâm nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án giao thông. Đây là trách nhiệm trực tiếp của Bộ GTVT. Do đó, việc sắp xếp lại các Ban QLDA của Tổng cục và các Cục là cần thiết, trong đó phải bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc trước hết là nâng cao hoạt động của các Ban QLDA, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư, chất lượng, tiến độ công trình, phù hợp với phân cấp quản lý đầu tư xây dựng, tránh được các khâu trung gian trong công tác quản lý.

Các Ban QLDA được sắp xếp lại phải có khả năng xây dựng dự án mới và kêu gọi vốn để thực hiện dự án. Việc sắp xếp lại không làm tăng thêm biên chế, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và cơ sở hiện có của các Ban QLDA, không thêm trụ sở làm việc. Bộ GTVT chỉ chuyển một số Ban QLDA mà trước đây thuộc Bộ về trực thuộc Bộ, bảo đảm các dự án lớn, quan trọng, các dự án do Bộ làm chủ đầu tư phải do các Ban QLDA của Bộ quản lý.

Tổng cục ĐBVN sau này chỉ còn 4 Ban QLDA tập trung quản lý vốn bảo trì đường bộ, nâng cao chất lượng công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ. Đối với các Cục, cần rà soát, xem xét lại các Ban QLDA trực thuộc, bao gồm cả về năng lực quản lý dự án, quy mô các dự án đang quản lý, bảo đảm ban QLDA của Cục phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhiệm vụ, hiệu quả công việc.

Bộ GTVT giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng đề án về sắp xếp lại các Ban QLDA của Tổng cục, Cục, bảo đảm đúng nguyên tắc, có tổng kết, đánh giá về thực trạng tổ chức, phân cấp quản lý, kết quả và hoạt động của các Ban QLDA, xu hướng phát triển, đồng thời đề xuất phương án sắp xếp lại phù hợp trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, gắn với phân cấp quản lý đầu tư. Bên cạnh đó cần có phương án củng cố đội ngũ cán bộ đối với các Ban QLDA có năng lực yếu.


Cầu Thanh Trì

Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, lãnh đạo một số Ban QLDA cho rằng, việc sắp xếp lại các Ban QLDA mang đến nhiều lợi ích trong nâng cao tiến độ, chất lượng hiệu quả, công trình, đồng thời giảm thiểu đáng kể khâu trung gian. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban QLDA 2 (Ban QLDA thuộc Tổng cục ĐBVN, trước đây trực thuộc Bộ GTVT) cho biết, một trong những mục tiêu trong việc sắp xếp lại các Ban QLDA là để tạo tính chuyên nghiệp, đảm bảo tốt hơn công tác quản lý tiến độ, chất lượng các dự án, công trình giao thông. Đồng thời với đó, công tác sắp xếp cũng không làm ảnh hưởng, xáo trộn đến hoạt động của các đơn vị. Tất cả các dự án, hiệp định liên quan đều triển khai bình thường, không có vướng mắc nhiều về thủ tục. “Thông qua việc sắp xếp lại, trách nhiệm của các Ban QLDA sẽ được tăng lên, các thủ tục hành chính cũng được giảm bớt nên hiệu quả công việc sẽ được đảm bảo hơn”- ông Long phân tích.

Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Xuân Sinh, Tổng Giám đốc Ban QLDA 6 (cũng là một Ban QLDA thuộc Tổng cục ĐBVN, trước đây trực thuộc Bộ GTVT) cho rằng, việc sắp xếp lại các Ban QLDA khiến quy trình phê duyệt dự án được rút ngắn tối đa, từ chủ đầu tư xuống thẳng Ban QLDA mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian, từ đó giảm bớt đáng kể chi phí. Chẳng hạn, liên quan đến các hiệp định vay vốn cho các dự án giao thông lớn, chắc chắn phải do Bộ GTVT đứng ra ký. Tuy nhiên nếu giao cho các Cục triển khai, Cục lại giao cho các Ban QLDA, sau đó mới lại quay trở lại Bộ, rất mất thời gian. Hơn nữa, các dự án lớn, quan trọng, các dự án do Bộ làm chủ đầu tư phải do các Ban QLDA của Bộ quản lý, từ đó các Cục chuyên ngành sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung tăng cường công tác quản lý Nhà nước.

Ông Sinh cho biết thêm, một điểm tích cực nữa là khi chuyển về trực thuộc Bộ GTVT, các Ban QLDA sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong công tác GPMB tại các địa phương. Những năm qua, tiến độ dự án, công trình nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào công tác GPMB. Với việc được “nâng tầm” và sự hỗ trợ trực tiếp của Bộ GTVT, vai trò của các Ban QLDA sẽ được tăng lên, việc phối hợp với các địa phương cũng sẽ hiệu quả hơn.

Hà Thanh Oai

 

 

Le Ngoc Tuyen
Source: BBN