bn-current-user-online-portlet

Online : 2511
Total visited : 150646911

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

18/10/2017 11:52 View Count: 497

Ngày 09/10/2017, Bộ  Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT gồm 3 điều:

- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Điều 2. Hiệu lực thi hành.

- Điều 3. Tổ chức thực hiện.

- Phụ lục 1a. Mẫu đơn đề nghị chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT đã sửa đổi, bổ sung 14 nội dung so với Thông tư số 50/2005/TT-BGTVT, trong đó có một số nội dung mới như sau:

1. Khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều sâu đối với công trình thiết yếu. Thông tư nêu rõ: Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ phần dưới mặt đất, dưới mặt nước do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền quyết định đối với từng công trình cụ thể, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình, không ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo trì đường bộ nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

 - Không được phép xây dựng công trình thiết yếu bên dưới móng công trình cầu, hầm, cống, tường chắn.

- Đối với công trình thiết yếu đi dưới mặt đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ và phần đất bảo vệ, bảo trì công trình đường bộ phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ mặt đất đến điểm cao nhất của công trình thiết yếu, bộ phận bảo vệ công trình thiết yếu không nhỏ hơn 0,5 mét.

2. Bổ sung danh mục công trình thiết yếu: công trình chiếu sáng đường bộ được bổ sung là một trong các công trình thiết yếu.

3. Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của quốc lộ đang khai thác: Thông tư nêu rõ Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu cùng thời điểm với cấp phép thi công công trình thiết yếu áp dụng đối với dự án sửa chữa công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của quốc lộ đang khai thác.

4. Phạm vi cấp phép thi công công trình thiết yếu: Các tuyến đường đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của Cục quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải nào thì đơn vị đó có thẩm quyền cấp phép thi công.

5. Bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư công trình thiết yếu: Chủ đầu tư xây dựng công trình thiết yếu có trách nhiệm sửa chữa các hạng mục hoàn trả với cơ quan cấp giấy phép thi công.

6. Giải quyết các tồn tại về sử dụng hành lang an toàn đường bộ: Thông tư nêu rõ, các cửa hàng xăng dầu dọc tuyến quốc lộ đã xây dựng, tồn tại theo chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi có quy định của nhà nước về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy hoạch hệ thống phát triển kinh doanh xăng dầu được tiếp tục tồn tại, nhưng địa phương phải hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định hoặc xóa bỏ trước ngày 31/12/2020. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu xây dựng tự phát, đấu nối trái phép vào quốc lộ hoặc nằm trong hành lang an toàn đường bộ, UBND các tỉnh phải chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.  

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2017.

Chi tiết Thông tư kèm theo.

- Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT (Tải về)

Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT (Tải về)

Nguyễn Đức Thuận
Source: Phòng Quản lý Kết cấu HTGT