bn-current-user-online-portlet

Online : 4597
Total visited : 150548350

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14182:2024 Bảo dưỡng thường xuyên đường bộ - Yêu cầu kỹ thuật

23/10/2024 09:26 View Count: 132

Ngày 18/7/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 1628/QĐ-BKHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 14182:2024 Bảo dưỡng thường xuyên đường bộ - Yêu cầu kỹ thuật), Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

TCVN 14182:2024 Bảo dưỡng thường xuyên đường bộ - Yêu cầu kỹ thuật gồm 9 mục và 6 phụ lục kèm theo.

Một số nội dung chính của TCVN 14182:2024:

1.  Về phạm vi áp dụng

-  Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và cung cấp một số hướng dẫn đối với công tác quản lý và thực hiện bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bộ.

 Tiêu chuẩn này áp dụng cho đường ô tô theo TCVN 4054 và các loại cầu, hầm đường bộ không có quy trình bảo trì riêng. Có thể tham khảo áp dụng tiêu chuẩn này cho đường đô thị theo TCVN 13592 và đường giao thông nông thôn theo TCVN 10380.

-  Tiêu chuẩn này không áp dụng cho cầu và hầm đường bộ yêu cầu có quy trình bảo trì riêng.

-  Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với công tác sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất các tuyến đường nói chung.

-  Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với đường ô tô cao tốc theo TCVN 5729.

2. Các hoạt động được quy định là hoạt động BDTX của đơn vị thực hiện BDTX đường bộ gồm 24 hoạt động được quy định từ mục 4.1.1 đến mục 4.1.24, gồm có:

- Trám các vệt nứt đơn trên mặt đường nhựa và mặt đường BTXM. Trám lại các khe nối mặt đường BTXM.

- Vá láng mặt đường nhựa, vá ổ gà trên mặt đường nhựa.

- Vá ổ gà trên mặt đường bằng vật liệu không gia cố.

- Làm vệ sinh mặt đường, mặt cầu, phát quang cây cỏ, dọn sạch rác... trên lề đường, trên dải phân cách, trên taluy nền đường trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

Sửa chữa đảm bảo hình dạng, độ dốc ngang của lề đất, độ dốc mái taluy.

Đắp lề đường bị lún, san gạt lề đường bị gồ lên, đắp mái taluy bị xói lở, hót sụt.

- Trồng bù cỏ trên các taluy gia cố bằng trồng cỏ. Sửa chữa các phần hư hỏng mất mát nhỏ của kết cấu gia cố taluy nền đường bằng đá lát, đá xây hay BTXM.

Khơi thông hệ thống rãnh ngang, rãnh dọc để đảm bảo thoát nước khi trời mưa. Khơi tạo đường thoát nước tại các vị trí đọng nước cục bộ trên đường để đảm bảo thoát nước khi trời mưa. Dọn sạch cây cỏ, rác, bùn đất lắng đọng... trong cống, rãnh thoát nước dọc, rãnh đỉnh ...

Sửa chữa đảm bảo hình dạng, kích thước, độ dốc dọc của rãnh thoát nước dọc.

Sửa chữa các hư hỏng rãnh dọc xây, rãnh dọc BTXM.

- Sửa chữa các hư hỏng nhỏ ở tường đầu, tường cánh hay thân cống, sửa chữa gia cố khắc phục xói lở sân cống, các hư hỏng nhỏ ở ¼ nón mố cầu, xói lở lòng chảy dưới cầu.

- Sửa chữa các hư hỏng kết cấu bê tông, bê tông cốt thép, kết cấu thép... của công trình cầu. Bôi mỡ gối cầu, sơn lan can cầu, sửa chữa và thay thế khe co giãn...

Sửa chữa các hư hỏng kết cấu bê tông, bê tông cốt thép, các công trình thoát nước... của công trình hầm trên đường.

Bảo dưỡng hệ thống thoát nước lưng tường chắn, đảm bảo hoạt động tốt.

Sửa chữa các hư hỏng nhỏ như bong bật, vỡ trên bề mặt của thân tường, đỉnh tường của kết cấu tường chắn đá xây, tường chắn BTXM, BTXM cốt thép...

Bảo dưỡng lưới thép của tường chắn rọ đá hay dạng lưới thép, lưới địa kỹ thuật gia cố taluy nền đường.

- Sửa chữa nhỏ hay điều chỉnh vị trí, cao độ, sơn lại hệ thống lan can rào chắn, tường hộ lan.

Điều chỉnh vị trí, cao độ, sơn lại hệ thống cọc tiêu, cột thủy chí, cọc H, cột Km, cột mốc giải phóng mặt bằng, cột mốc lộ giới.

- Làm sạch, sơn lại, sửa chữa, bổ sung, thay thế các biển báo hiệu giao thông.

Sửa chữa nhỏ, thay thế các thiết bị khác như cọc trụ dẻo phân làn giao thông, màng phản quang, tấm chống chói, đèn tín hiệu giao thông, gương cầu lồi.

- Sơn lại, sơn bổ sung, cào bỏ các vạch sơn kẻ đường.

Chăm sóc hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên dải phân cách, trên taluy đường và trong phạm vi hành lang đường bộ.

- Xáo xới, bổ sung sỏi, cuội sông suối, đá dăm có cạnh tròn, cát của đệm giảm tốc… theo thiết kế của đường cứu nạn.

- Làm sạch, sơn lại, sửa chữa giá long môn, cột cần vươn trên đường.

3. Các hoạt động được quy định là hoạt động quản lý của đơn vị thực hiện BDTX đường bộ gồm 11 hoạt động được quy định từ mục 4.2.1 đến mục 4.2.11, gồm có:

- Tiếp nhận và quản lý hồ sơ công trình đường bộ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ BDTX đường bộ. 

- Công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đơn vị thực hiện BDTX.

- Thực hiện trực đảm bảo giao thông theo quy định để đảm bảo xử lý các tình huống đột xuất trong mưa bão, lũ lụt hay trường hợp có TNGT. Bố trí và điều hành lực lượng xử lý các sự cố, đảm bảo thông đường.

- Đăng ký cầu, đường

- Điều tra giao thông

- Theo dõi, thống kê TNGT đường bộ

- Căn cứ số liệu thống kê theo dõi và phân tích nguyên nhân các vụ TNGT, xác định các điểm đen TNGT đường bộ và thực hiện công tác sửa chữa, cải tạo hay bổ sung thiết bị báo hiệu đường bộ kịp thời để đảm bảo ATGT.

Nhân viên tuần đường được bố trí chuyên trách ở đơn vị thực hiện BDTX.

- Thực hiện kiểm tra định kỳ công tác quản lý và thực hiện BDTX đường bộ mỗi tháng một lần, đối với các hạng mục của đường và công trình trên đường cũng như việc thực hiện và quản lý thực hiện bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.

- Trước mùa mưa bão và sau các trận mưa lớn hay sau bão, đơn vị thực hiện BDTX đường bộ cần thực hiện công tác kiểm tra đường và các công trình, đặc biệt là các công trình thoát nước trên đường.

- Đơn vị thực hiện BDTX tham gia phối hợp trong các hoạt động kiểm tra như kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đặc biệt của các cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ.

4. Các kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ bao gồm: Bảo dưỡng thường xuyên nền đường; lề đường; hệ thống rãnh thoát nước; mặt đường; kè và tường chắn đất; đường tràn và đường ngầm; đường hầm; đường xuống bến phà; đường cứu nạn; cống thoát nước; cầu; hệ thống báo hiệu đường bộ;  hệ thống điện chiếu sáng trên đường và trên cầu; hệ thống cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa.

5. TCVN 14182:2024 gồm 06 phụ lục, cụ thể:

- Phụ lục A (Quy định) Phương tiện, trang thiết bị, trang phục phục vụ công tác tuần đường

- Phụ lục B (Quy định) Phân loại phương tiện và biểu mẫu báo cáo đếm xe

- Phụ lục C (Quy định) Biểu mẫu báo cáo tai nạn giao thông đường bộ

- Phụ lục D (Quy định) Biểu mẫu điều tra hư hỏng mặt đường bộ

- Phụ lục E (Tham khảo) Phân loại đánh giá chất lượng đường bộ

- Phụ lục F (Tham khảo) Hướng dẫn đánh giá và nghiệm thu công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ theo chất lượng thực hiện

Trần Đức Dũng
Source: Phòng Quản lý chất lượng CTGT