bn-current-user-online-portlet

Online : 4279
Total visited : 150582122

Ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh mặt đường trong bảo trì đường bộ

20/11/2018 09:52 View Count: 548

Công trình sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và bổ sung hệ thống thoát nước dọc đoạn Km0 - Km15, QL.18, tỉnh Bắc Ninh sử dụng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ đường bộ Trung ương năm 2018 do Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh làm chủ đầu tư được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, trong đó có hạng mục sửa chữa hư hỏng mặt đường các vị trí bị hư hỏng nặng liên tục, trên diện rộng bằng cào bóc tái sinh nguội mặt đường chiều sâu 12cm, sử dụng chất kết dính là bitum bọt và xi măng.

Ngày 17/11/2018, Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh đã tổ chức thi công cào bóc tái sinh nguội lớp bê tông nhựa để sửa mặt đường hư hỏng, xuống cấp tại Km9+311 - Km10+040 QL.18.

Trên thực tế chi phí bảo trì và nâng cấp mặt đường theo truyền thống ở Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên hiệu quả khai thác là chưa cao (sau một thời gian khai thác mặt đường nhựa sẽ bị xuống cấp và phát sinh hiện tượng bong bật, nứt hoặc ổ gà, phân lớp và mặt đường ngày một dày thêm). Để đảm bảo tiêu chí không làm tôn cao mặt đường, giải pháp cào bóc tái chế lớp mặt đường đã hư hỏng, sau đó tái chế lớp dưới và phủ thay thế lớp BTN mới lên trên để tiếp tục khai thác mà không ảnh hưởng đến cường độ mặt đường hiện hữu.

Công nghệ tái chế tại chỗ mặt đường bằng bitum bọt và xi măng là một công nghệ tiên tiến và được nhiều nước trên thế giới áp dụng: Xi măng sẽ được rải trước bằng xe rải chất phụ gia kết dính Streumaster - xe đi phía sau là xe bồn chở nước và xe bồn chở bitum. Trống cào bóc và trộn sẽ nghiền nhỏ lớp bê tông nhựa. Cùng lúc đó, xi măng đã được rải trước sẽ trộn cùng với nước và bitum bọt được bơm vào buồng trộn qua các thanh phun. Vật liệu đã được tái chế sẽ được chuyển lên băng tải và được đưa vào trong phễu tiếp liệu của máy rải bê tông nhựa, từ đó vật liệu sẽ được thảm lại đúng cao độ và vị trí bằng xe rải. Việc đầm nén sẽ được xử lý bằng các lu Hamn. Với công nghệ này, lớp mặt đường sau khi cào bóc, nhào trộn sẽ được gia cố tại chỗ với một lượng rất nhỏ xi măng, bitum, nước. Qua đó tạo nên một lớp đồng nhất và có chất lượng độ cứng cao. Ngoài lợi ích bảo vệ tài nguyên và giảm chi phí qua việc tái chế vật liệu cũ, công nghệ tiên tiến này còn rút ngắn thời gian thi công, hạn chế ùn tắc giao thông do quá trình thi công gây ra.

Tuy nhiên, để chứng minh được tính hiệu quả cũng như chất lượng mặt đường sau khi thảm lại bằng lớp tái chế còn cần thêm thời gian trong quá trình khai thác thực tế.

Một số hình ảnh về quá trình thi công:

Sau khi cào bóc, vật liệu được tái sinh lại dải lên đường chờ công đoạn lu nén đường trở lại

Mặt đường sau khi hoàn thiện cào bóc tái sinh

 

 

Nguyễn Đức Thuận
Source: Phòng Quản lý KCHTGT