Bắc Ninh hướng đến nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh

06/03/2019 09:58 View Count: 108

Trong những năm gần đây, nước ta đang sử dụng một số chỉ số để đánh giá, xếp hạng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: PCI- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; PAPI- Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam; PAR INDEX - Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các chỉ số này được sử dụng để đánh giá ở nhiều lĩnh vực khác nhau với những mục đích khác nhau phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá, xếp loại theo yêu cầu của quốc gia, xã hội,… Các chỉ số đều dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể, được lượng hóa thành điểm số và phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Qua kết quả đánh giá theo các chỉ số này, các địa phương sẽ thấy được những mặt mạnh, mặt yếu, những hạn chế của mình để phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp các địa phương thực hiện tốt hơn nữa những mục tiêu kinh tế, xã hội trong thời gian tiếp theo. Năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh trong 63 tỉnh, thành. Nhưng không dừng lại ở đó, tỉnh luôn nỗ lực với nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chỉ số này.

Xác định việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những khâu đột phá để nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều cố gắng trong việc tạo môi trường thông thoáng, minh bạch trong đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh. Các cấp, các ngành đã tập trung hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính; nỗ lực xây dựng hệ thống giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, trong đó quan tâm tạo điều kiện tốt nhất phát triển nhanh khu vực kinh tế dân doanh.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố với 64,36 điểm, tăng 4,01 điểm so với năm 2016 nhưng lại nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng khá. Tỉnh Quảng Ninh lần đầu vươn lên đứng vị trí số 01 trên bảng xếp hạng PCI với 70,69 điểm; Đà Nẵng sau 04 năm liên tiếp dẫn đầu đã tụt xuống vị trí thứ 02 với 70,11 điểm. Tính riêng trong khu vực đồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 5 sau Quảng Ninh (xếp thứ 1), Hải Phòng (xếp thứ 9), Vĩnh Phúc (xếp thứ 12) và Hà Nội (xếp thứ 13). Đối với các chỉ số thành phần, tỉnh Bắc Ninh có 8 chỉ số tăng điểm so với năm 2016 là: Chỉ số tiếp cận đất đai (tăng 0,53 điểm); Tính minh bạch (tăng 0,06 điểm); Đào tạo lao động (tăng 0,39 điểm); Thiết chế pháp lý (tăng 0,54 điểm); Chi phí thời gian (tăng 0,15 điểm); Chi phí không chính thức (tăng 0,8 điểm); Tính năng động (tăng 0,49 điểm); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 1,22 điểm). Trong khi đó 02 chỉ số giảm điểm gồm: Chỉ số gia nhập thị trường (giảm 1,02 điểm) và Cạnh tranh bình đẳng (giảm 0,92 điểm). Đây là năm thứ 13 liên tiếp báo cáo PCI được công bố. Báo cáo năm nay dựa trên thông tin phản hồi từ 12 nghìn doanh nghiệp, trong đó, có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố.

Có thể nói, trong năm 2016-2017, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, nhằm cụ thể hóa chương trình Tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh tới cơ sở. Tỉnh đã bố trí hàng chục tỷ đồng thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Hành chính công, 100% các xã triển khai áp dụng thực hiện một cửa liên thông hiện đại. Trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Bắc Ninh hiện có 1.025/1.765 thủ tục hành chính áp dụng việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó có 942 thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện có 95, cấp xã 24 thủ tục hành chính được áp dụng. Với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ đã góp phần tạo bước đột phá lớn trong thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, giảm gánh nặng thủ tục hành chính về thời gian đối với người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa đạt kết quả như mong đợi thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao còn là gánh nặng của cơ quan Nhà nước. Lãnh đạo một số sở, ngành chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến công tác điều hành cải cách hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa chặt chẽ, chưa nghiêm. Bên cạnh đó vai trò, quyền hạn của Trung tâm Hành chính công còn rất hạn chế, không có quyền quyết định hoặc giải quyết bất kỳ công việc gì; tính liên thông trong xử lý công việc còn rất hạn chế; việc phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan giữa các cơ quan hành chính chưa có sự thống nhất, thiếu đồng bộ trong liên thông; việc kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa được thường xuyên; việc trang thiết bị còn thiếu đồng bộ. Trên cơ sở đó, để ngày một nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công, góp phần nâng cao năng lực canh cấp tỉnh.

Trong cuộc đua tranh thứ hạng PCI, nhiều địa phương trong nước đã lần lượt ban hành nhiều chính sách có lợi cho doanh nghiệp và người dân, tích cực cải thiện mạnh mẽ các thủ tục hành chính rườm rà để nâng cao vị thế của địa phương trong bảng xếp hạng. Xác định việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những khâu đột phá để nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về vai trò của cải cách hành chính, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Sở Nội vụ cần tăng cường phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số PAR Index, PCI, PAPI, DCI... quyết liệt cải cách hành chính, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội.

Hy vọng với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành liên quan, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bắc Ninh sẽ có bước tiến bộ trong thời gian tới.

Nguyễn Hằng

bn-current-user-online-portlet

Online : 4392
Total visited : 151065633