Cho phép đổi tên Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh thành Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh và phê duyệt Điều lệ Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh
Ngày 5/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký ban hành Quyết định số 1991/QĐ-UBND về việc cho phép đổi tên Hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh thành Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh và phê duyệt Điều lệ Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, Điều lệ của Hội gồm 8 Chương, 33 Điều đã được thông qua tại Đại hội toàn thể hội viên ngày 12 tháng 10 năm 2019.
Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh (sau đây gọi tắt là Hội), là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện của các Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là Cựu chiến binh (sau đây gọi chung là Hội viên), thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết, trao đổi, liên kết, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” của các thế hệ cựu chiến binh, đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhằm phát triển nghề nghiệp, tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu hợp pháp, xoá đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hội là đầu mối thúc đẩy và phát triển quan hệ giữa Hội viên với các cơ quan Nhà nước; là cầu nối cho sự hợp tác kinh tế thương mại, kinh tế hội nhập, khoa học công nghệ và hợp tác kinh tế giữa các Hội viên, nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Hội viên theo cơ chế thị trường; trong đó Hội viên vừa là chủ nhân, vừa là khách hàng của Hội và mỗi Hội viên đều là khách hàng, là đối tác và là nhà đầu tư chiến lược của nhau, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên trong hoạt động.
Hội hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế. Hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số; tự quản và tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hội chịu sự quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, về lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và mở tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Hội có nhiệm vụ: Tuyên truyền, hướng dẫn hội viên hiểu rõ và thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hoá kinh doanh, giữ gìn an toàn lao động, bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Đại diện cho hội viên tham gia đóng góp ý kiến và kiến nghị với Nhà nước, với địa phương về những chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ về phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế. Làm cầu nối giúp Hội viên của Hội trong việc phối hợp, liên kết giữa các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế thúc đẩy liên doanh, liên kết, cùng có lợi; cũng như tạo điều kiện giúp Hội viên chủ động trong việc tìm kiếm và phát triển thị trường. Động viên nhiệt tình và khả năng lao động sáng tạo của Hội viên; hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; đoàn kết giúp đỡ nhau trong khó khăn. Hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ hội viên của Hội trong quá trình sắp xếp lại tổ chức, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp. Cặp nhật và cung cấp cho Hội viên các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về kinh tế thị trường liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội, giúp cho Hội viên tránh được những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn nhằm thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội. Phát triển hội viên, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao uy tín và vị thế của hội...
Quyền hạn và nghĩa vụ của Hội: Tuyên truyền mục đích hoạt động của Hội. Tổ chức các hoạt động tham quan, nghiên cứu tìm hiểu, khảo sát thị trường; tổ chức các Hội nghị, các cuộc hội thảo, toạ đàm, tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm; lập trang web, xuất bản tập san quảng bá doanh nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu sản phẩm,… theo quy định của pháp luật. Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội và Hội viên trong các mối quan hệ; hoà giải tranh chấp và hoà giải trong nội bộ Hội...
Về nguồn thu của Hội: Lệ phí gia nhập Hội; Hội phí của hội viên đóng góp theo quy định; Hỗ trợ ngân sách của Nhà nước (nếu có); Các khoản thu từ các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tư vấn, hội chợ, triển lãm, quảng cáo của Hội theo quy định của pháp luật; Tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Tại Quyết định cũng quy định rõ tổ chức của Hội bao gồm: Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu; Ban chấp hành Hội; Ban Thường vụ (Ban Thường trực) Hội; Ban Kiểm tra Hội; Văn phòng Hội và các Ban chuyên môn; Các Chi hội địa phương; Chi hội chuyên ngành. Đồng thời quy định việc chia, tách; sáp nhập; hợp nhất và giải thể Hội./.