Bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người tham gia đấu giá

10/04/2018 14:21 View Count: 205

(PLO) - Đây là một trong những quy định đáng chú ý của dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên đang được Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) đưa ra lấy ý kiến.

Bảo đảm  đối xử bình đẳng giữa những người tham gia đấu giá

Ảnh minh họa

Góp phần nâng cao năng lực đội ngũ đấu giá

Luật đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017 tại điểm b khoản 2 Điều 77 quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ ban hành hoặc giao tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.

Luật đấu giá tài sản tại Điều 9, Điều 13, Điều 19 và Điều 21 quy định đấu giá viên có nghĩa vụ tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên; các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên trong đó có hành vi vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp; nội dung kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá để trở thành đấu giá viên bao gồm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên và việc giám sát tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với các đấu giá viên là thành viên.

Để triển khai quy định nêu trên của Luật đấu giá tài sản có hiệu quả, đồng bộ, trong bối cảnh hiện nay khi tổ chức xã hội-nghề nghiệp của đấu giá viên chưa được thành lập thì việc xây dựng, ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên để điều chỉnh về những chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của đấu giá viên trong hành nghề là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định pháp luật về đấu giá tài sản, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ đấu giá, chất lượng hoạt động hành nghề đấu giá.

Không được sách nhiễu, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá tài sản

Dự thảo Thông tư gồm 4 Chương, 13 Điều, trong đó quy định đấu giá viên không được thông đồng, móc nối với người có tài sản để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; không được đưa, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

Trong trường hợp đấu giá viên phát hiện người có tài sản đấu giá thông đồng, móc nối với cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản, nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ tổ cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải có ý kiến với tổ chức đấu giá tài sản; trường hợp cần thiết thì phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Quy tắc cũng quy định đấu giá viên không được thông đồng, móc nối, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người tham gia đấu giá tài sản để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; không được có hành vi hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá tài sản; không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa những người tham gia đấu giá tài sản khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để tham gia đấu giá tài sản, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người tham gia đấu giá tài sản.

Trường hợp đấu giá viên phát hiện người tham gia đấu giá cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản, cản trở hoạt động đấu giá tài sản, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá, đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì phải truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá hoặc dừng cuộc đấu giá, báo cáo tổ chức nơi mình hành nghề để có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên không được tiết lộ thông tin mà mình biết được về người tham gia đấu giá, giá mà người tham gia đấu giá đã trả trước khi công bố kết quả đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

Dự thảo Quy tắc quy định đấu giá viên phải tuân thủ nội quy, quy chế của tổ chức nơi hành nghề, chấp hành sự quản lý, phân công của tổ chức; có trách nhiệm tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức nơi hành nghề để dự phòng giải quyết rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. 

Ngoài ra, dự thảo còn quy định quan hệ của đấu giá viên với đồng nghiệp với người tập sự hành nghề đấu giá…Đấu giá viên thực hiện không đúng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá  thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội- nghề nghiệp của đấu giá viên, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Việt Hòa
Source: PLO