Tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải thấm nhuần trong cuộc sống và mỗi công việc của người dân

02/05/2018 08:32 View Count: 199

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật” đang diễn ra sáng nay – ngày 24/4 tại Bộ Tư pháp. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cùng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành, Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ.

Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật” được tổ chức nhằm thực hiện Thông báo số 1672/TB-TTKQH ngày 09/04/2018 của Tổng Thư ký Quốc hội về Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22; Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương năm 2018 và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Thông báo Kết luận số 11/TB-BTP ngày 20/3/2018 về việc giao cho Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cá thể hóa nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành trong Hệ thống chính trị về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự ra đời của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ việc xây dựng thể chế đến các Chương trình, Đề án. Những kết quả đạt được đã góp phần trực tiếp vào công tác tổ chức thi hành pháp luật và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, công tác phổ biến, giáo dục vẫn còn nhiều điểm cần phải khắc phục.
Bộ trưởng nhấn mạnh một số nội dung và cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu về các vấn đề này. Theo đó, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật đã giao trách nhiệm chung cho cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả đạt được vẫn còn dàn trải, chưa được như mong muốn, do đó, cần phải tiếp tục tác động đến ý thức và nâng cao nhận thức về vai trò vị trí công tác này. Đồng thời, cá thể hóa nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị trong khi nguồn lực có hạn mà phạm vi phổ biến, giáo dục pháp luật rộng;

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, cùng với Luật phổ biến, giáo dục pháp luật là các Chương trình, Đề án, trên cơ sở đó, cần đề ra Kế hoạch và các giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện các chương trình, đề án đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng cũng đề nghị, với nguồn lực có hạn, cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn mới nhằm đa dạng hình thức để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở nên cuốn hút và việc tổ chức sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Về các thiết chế, trước tiên là Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ trưởng đề nghị, cần phát phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên. Cùng với đó là đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật, nghiên cứu và cần phải chỉnh tinh được đội ngũ này. Đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đội ngũ này phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình
Đề cập đến việc thiết kế các Chương trình phổ biến, giáo dục tiếp theo, Bộ trưởng cũng đã lưu ý đến việc thiết kế Chương trình cho các đối tượng ưu tiên và yếu thế.
Nhắc đến việc tổ chức Ngày Pháp luật, Bộ trưởng khẳng định, trong những năm qua, Ngày Pháp luật đã để lại dấu ấn tốt đẹp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu tổ chức Ngày Pháp luật ngày càng thiết thực, hiệu quả để mọi người biết đến nhiều hơn. Đồng thời, cần phải xác định tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật không chỉ trong Ngày Pháp luật 9/11 hàng năm mà phải thấm nhuần trong cuộc sống và coi đây là công việc hàng ngày của người dân.
Xác định đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật đúng - trúng
Trong Báo cáo dẫn đề tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Xuân Lân cho biết, những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được hoàn thiện; các Chương trình, Đề án, Kế hoạch trung hạn, dài hạn và hằng năm về phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành và triển khai thực hiện trong cả nước để tập trung nguồn lực với nhiều giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn, lĩnh vực, đối tượng đặc thù.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới, bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với nhu cầu xã hội, với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, hiệu quả được nâng lên...
Các đại biểu tham dự Hội thảo, cơ bản nhất trí với báo cáo dẫn đề, nhiều đại biểu đã trao đổi, thảo luận sâu về vấn đề xác định rõ đối tượng tuyên truyền, nội dung, hình thức tuyền truyền; cùng với đó là đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra. Luật sư Nguyễn Văn Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) nhấn mạnh đến “nhóm con người” trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: người làm công tác tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền cần hướng đến và người làm công tác tổ chức. Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng ban Chính sách - luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì đặc biệt quan tâm đến giải pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng yếu thế là phụ nữ. Bà Vi Phương cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, theo đồng chí, cần lượng hóa đối tượng hướng tới thành các nhóm để dễ tiếp cận trong phổ biến pháp luật. Các cấp hội phụ nữ đa phần lựa chọn mô hình đối thoại chính sách trong tuyên truyền cho hội viên, đặc biệt cần phải tìm hiểu các vấn đề của địa phương để lựa chọn nội dung tuyên truyền sát hợp...


Còn Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là phạm nhân, đối tượng bị tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, mỗi năm Bộ Công an cũng tổ chức 10 Hội nghị tập huấn diện rộng và tập huấn chuyên sâu cho lực lượng công an. Ông Nguyễn Văn Huệ - Hội luật gia Việt Nam thì đề xuất, bên cạnh việc xây dựng “xã hội học tập” trong Nhân dân, thì theo ông đối với đội ngũ cán bộ cũng cần xây dựng nền hành chính - tư pháp trong sạch, liêm chính, nghiêm minh.
Nhiều ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh tới việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nắm vững pháp luật; đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến tuyên truyền miệng; xây dựng tài liệu tuyên truyền phù hợp; cần chú ý nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền.
Cơ bản nhất trí với nội dung trong báo cáo dẫn đề, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật đã tương đối đầy đủ, do đó cần tập trung vào việc tổ chức thực hiện pháp luật. Về hạn chế và nguyên, Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung vào nguyên nhân chủ quan và tìm ra giải pháp để khắc phục.
Đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự về vấn đề xác định đúng – trúng đối tượng cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Bộ trưởng lưu ý thêm một số vấn đề về hình thức tuyên truyền, tài liệu, cán bộ thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nhấn mạnh, phải có kiểm tra, đánh giá kết quả việc thực hiện các Chương trình, Đề án. Bộ trưởng cũng đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và coi đây là nhiệm vụ của cả Hệ thống chính trị. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, Bộ trưởng cũng đề nghị các thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cần chủ động và trách nhiệm hơn nữa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

An Như
Source: Bộ Tư pháp