Tổng kết cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh - đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, đề cao giá trị và trách nhiệm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
Phát biểu tại hội nghị tổng kết và trao giải của Cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Tiến Nhường – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định “với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, đề cao giá trị và trách nhiệm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần phổ biến sâu rộng tinh thần, ý nghĩa và nội dung Hiến pháp, nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, bảo vệ Hiến pháp….”.
Sau hơn sáu tháng phát động Cuộc thi, toàn tỉnh Bắc Ninh đã nhận được trên 72.000 bài dự thi với thành phần tham dự rất đa dạng từ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên đến những người lao động phổ thông, công nhân, nông dân; từ học sinh tiểu học, sinh viên đến những người cao tuổi, cán bộ hưu trí, người khiếm thị... Sự tham gia của em Nguyễn Thị Giang - lớp 2Đ, Trường Tiểu học Giang Sơn, huyện Gia Bình (Thí sinh dự thi nhỏ tuổi nhất); những người cao tuổi trên 90 tuổi (Cụ Nguyễn Văn Chuẩn (94 tuổi) -huyện Quế Võ; cụ Phạm Quý (94 tuổi) - huyện Yên Phong, cụ Ngô Hữu Xuất (92 tuổi) – thị xã Từ Sơn và anh Trần Danh Dũng là người khiếm thị (hội viên Hội người mù huyện Gia Bình) là những minh chứng sống động cho sự đa dạng đối tượng dự thi cũng như về sức lan toả, sự quan tâm, nhu cầu tìm hiểu Hiến pháp 2013 mới được ban hành. Thông qua việc viết bài dự thi sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc theo hướng tích cực về tư duy, nhận thức đối với nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp. Với mỗi người dự thi Cuộc thi sẽ là cách để “góp phần vào mục tiêu tuyên truyền, đưa Hiến pháp vào đời sống của Đảng và Nhà nước, tăng thêm niềm tin về một Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân”.
Về chất lượng bài tham gia dự thi, theo yêu cầu chỉ đạo của Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh và Thể lệ cuộc thi thì bài thi hợp lệ phải bảo đảm về thể thức, trình bày ghi rõ họ tên, địa chỉ, nơi cư trú hoặc công tác để Ban Tổ chức liên hệ và kiểm soát nội dung bài viết. Báo cáo buổi lễ tổng kết và trao giải cho thấy các bài dự thi đều bảo đảm nội dung, chất lượng, bám sát tài liệu, đề cương hướng dẫn và các quy định của Hiến pháp 2013; đáp ứng được mục đích đặt ra là phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thi hành Hiến pháp. Nội dung các bài dự thi đều được kiểm soát, đánh giá không có yếu tố lợi dụng việc tham gia viết bài để xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu Đảng, chính quyền. Những người tham gia dự thi đều có ý thức trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về ý nghĩa, các nội dung cơ bản, những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 và liên hệ với thực tiễn. Có nhiều các bài viết được đầu tư hết sức công phu, thể hiện được tâm huyết, quyết tâm của người tham gia dự thi. Nhiều bài có với số lượng từ 200 trang đến 400 trang viết tay, có nhiều hình ảnh, tư liệu minh hoạ (Tiêu biểu là bài dự thi viết tay dài hơn 400 trang và có nhiều hình ảnh minh họa của chị Đỗ Thị Lâm, Trường tiểu học Song Giang, huyện Gia Bình); nhiều thông tin, tư liệu quý, số liệu thống kê hết sức chi tiết, tỷ mỉ đã được người viết bỏ nhiều công sức sưu tầm, lựa chọn để đưa vào bài viết của mình. Những vấn đề đang được xã hội và đông đảo người dân quan tâm như tình trạng giáo dục, y tế, môi trường, đất đai, việc triển khai thực hiện các Dự án phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề về quyền con người, chủ quyền quốc gia, biển đảo, quan hệ hội nhập, giao lưu hợp tác quốc tế; vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tư pháp... cũng đã được nhiều người quan tâm, thể hiện trong các bài dự thi. Bên cạnh đó không những thể hiện bài thi bằng Tiếng Việt theo quy chế, có bài thi còn thể hiện dưới hình thức song ngữ, dịch sang Tiếng Anh (bài thi của ông Phạm Đình Hùng, giáo viên trường Trung học cơ sở Lê Văn Thịnh - huyện Gia Bình); bài được dịch ra thêm bản bằng chữ Braille (bà Lê Thị Hằng, Trung tâm dân số, kế hoạch hóa gia đình huyện Gia Bình); bài thi bằng chữ Braille của người khiếm thị (bài của anh Trần Danh Dũng - hội viên Hội người mù huyện Gia Bình). Với những bài thi này đều được Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã nhờ chuyên gia thẩm định, cho ý kiến bảo đảm về chất lượng, nội dung.
Trên cơ sở tiếp nhận 250 bài dự thi đã được chấm, xếp loại cao nhất ở từng đơn vị cấp huyện (mỗi đơn vị cấp huyện nộp 30 bài, riêng Thành phố Bắc Ninh nộp 40 bài), Ban Tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tỉnh Bắc Ninh đã chấm, xếp loại và trao 29 giải thưởng gồm 01 giải nhất cho bà Nguyễn Thị Liên, Ban Tuyên giáo huyện ủy Yên Phong, 02 giải nhì, 04 giải ba, 15 giải khuyến khích và 07 giải phụ (giải cho người dự thi trên 90 tuổi, người dự thi ít tuổi nhất và người dự thi vượt qua chính mình).
Đặc biệt, trong số 20 bài dự thi của tỉnh Bắc Ninh tham gia chấm ở Trung ương đã có 03 bài đạt giải khuyến khích, 02 giải phụ của Trung ương là giải dành cho “Bài dự thi của người dự thi nhỏ tuổi nhất” (Em Nguyễn Thị Giang, lớp 2Đ, Trường Tiểu học Song Giang, huyện Gia Bình) và giải cho người dự thi “Vượt qua chính mình” (Ông Trần Danh Dũng, Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Gia Bình). Đây là kết quả rất đáng khích lệ, có tỷ lệ giải thưởng tương đối cao trên cơ cấu 175 giải của Trung ương đồng thời đã kết quả trên đã thể hiện sự chính xác, nghiêm túc và thống nhất trong quá trình chấm điểm, quyết định trao giải của Ban Tổ chức các cấp tỉnh Bắc Ninh.
Với những kết quả đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, Giám đốc Sở Tư pháp tặng giấy khen cho các thành tích trong việc tổ chức, triển khai cuộc thi.
Phát biểu kết luận hội nghị tổng kết Cuộc thi, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã biểu dương, ghi nhận những thành tích, kết quả đã đạt được. Đồng thời, khẳng định việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật chính là một hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả cần phải được tiếp tục phát huy, nhân rộng trong thời gian tới. Yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tuyên truyền về kết quả và ý nghĩa của cuộc thi cũng như các nội dung khác để triển khai, thi hành Hiến pháp 2013 trong cuộc sống. Với những cá nhân đạt giải cao, sau Cuộc thi mỗi người phải thực sự trở thành những người báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để vận động người thân, bạn bè, quần chúng nhân dân thực hiện tốt khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Hy vọng rằng tinh thần, ý nghĩa và kết quả từ cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để triển khai thi hành Hiến pháp trong cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh./.