bn-current-user-online-portlet

Online : 3704
Total visited : 151108976

Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

25/03/2022 13:04 View Count: 653

Hiện HIV vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Trước đây, lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường quan hệ tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên gần đây, HIV lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh. Truyền thông được coi là một trong những biện pháp chủ yếu trong phòng, chống HIV/AIDS làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Năm 2022, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS sẽ tập trung vào các nội dung chính bao gồm: truyền thông về tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam và cảnh báo nguy cơ dịch sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát do con đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi; truyền thông về các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS; tuyên truyền việc tư vấn và xét nghiệm HIV bao gồm xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm và xét nghiệm nhiễm mới HIV; truyền thông về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện Methadone; về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus HIV (PrEP); về điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV); tuyên truyền các giải pháp vượt qua đại dịch COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục; và truyền thông về các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tấm gương thầy thuốc, cơ sở y tế, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Công tác truyền thông sẽ được thực hiện cả về bề rộng cũng như chiều sâu để phù hợp với từng nhóm đối tượng; đổi mới thông điệp và kênh truyền thông cho phù hợp với xu hướng hiện nay, tập trung vào sử dụng truyền thông công nghệ kĩ thuật số; đồng thời triệt để lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS vào các lĩnh vực sức khỏe và xã hội khác trong các sự kiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo, cuộc họp… Để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã xây dựng các Bộ thông điệp cơ bản về HIV/AIDS và bộ thông điệp truyền thông cho MSM; thực hiện thông qua các hình thức truyền thông đại chúng, truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện, sản xuất và nhân bản tài liệu truyền thông.

Nguyễn Oanh