bn-current-user-online-portlet

Online : 3493
Total visited : 151113923

Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các khu công nghiệp

28/04/2021 08:17 View Count: 712
Những năm gần đây, mặc dù có xu hướng giảm, song dịch HIV/AIDS tiếp tục lây lan trong cộng đồng, phần lớn số người mắc mới trong độ tuổi lao động. Nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong công nhân, lao động tại các KCN được cho là luôn tiềm ẩn do phần lớn lao động trong các KCN thuộc lứa tuổi thanh niên, một bộ phận có tư duy rất “thoáng” về tình yêu và tình dục,  số khác lại dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như: Ma tuý, mại dâm,...

Nữ công nhân Nguyễn Thị Hà (lao động của một nhà máy tại KCN Tiên Sơn) cho biết: Chị làm tại đây hơn 10 năm nhưng doanh nghiệp chưa tổ chức truyền thông có nội dung riêng về phòng, chống HIV/AIDS, chỉ thi thoảng lồng ghép vào một vài chương trình khác với nội dung sơ sài. Còn anh Nguyễn Văn Ninh, (công nhân kỹ thuật một công ty có hàng nghìn công nhân ở KCN Yên Phong) thì: Tôi cũng không nhớ nổi lần gần nhất công ty tổ chức phổ biến kiến thức về HIV/AIDS là khi nào, bởi cũng tổ chức lồng ghép, xen lẫn các nội dung khác. “HIV/AIDS không phải dịch bệnh mới, đường lây thì hầu như ai cũng biết đến, nên nếu nội dung tuyên truyền không mới, thiếu hấp dẫn, nếu có tổ chức mọi người cũng chẳng quan tâm hoặc nhớ nổi” - anh Ninh cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn B., chủ một nhà trọ có hơn 10 phòng và 1 nhà nghỉ tại xã Yên Trung (Yên Phong): Nhà nghỉ thường đông người thuê vào cuối tuần, phần lớn là công nhân trong KCN thuê theo giờ; trong khi đó hơn 10 phòng trọ đều là người ở các tỉnh khác thuê. Điều chủ các nhà trọ thường quan tâm là người thuê có trả tiền đúng hạn hay không, ăn ở có giữ vệ sinh không chứ không quan tâm hay kiểm soát các mối quan hệ tình cảm của người thuê phòng. Vì vậy, công nhân sinh hoạt như thế nào, có biết cách phòng ngừa HIV/AIDS hay không phụ thuộc vào ý thức và hiểu biết mỗi người.

Theo bác sĩ Đinh Mai Vân, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Bắc Ninh có nhiều khu, cụm công nghiệp với số lượng công nhân đông đúc, hầu hết độ tuổi còn trẻ. Sự di biến động lớn về dân số đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Do đặc điểm công việc, công nhân tại các KCN có rất ít thời gian để tiếp cận các thông tin truyền thông đại chúng nói chung và truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nói riêng dẫn đến một bộ phận còn bị hạn hẹp về nhận thức phòng, chống HIV/AIDS.

Trên thực tế, có khá nhiều trường hợp được phát hiện HIV ở nhóm công nhân này. Qua khai thác thông tin khi tiếp cận các trường hợp này thì thấy sự dễ dãi trong quan hệ tình dục, hành vi tiêm chích ma tuý hoặc quan hệ tình dục đồng giới ở một số bạn trẻ thiếu kiến thức đầy đủ về phòng, chống HIV/AIDS là những yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này.

Được biết, Dự án Quỹ toàn cầu đang hỗ trợ cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su thông qua đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã. Chương trình dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được khởi động từ năm 2020 cũng đã và đang tiếp cận gần hơn đến các đối tượng nam đồng tính… Tuy nhiên, do thời gian làm việc của công nhân, lao động trong KCN được tổ chức theo ca, kíp và vấn đề kỳ thị, tự kỳ thị tồn tại nên ảnh hưởng đến sự tiếp cận các dịch vụ vốn chưa được bao phủ rộng rãi đến các khu, cụm công nghiệp.

Đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng này là hết sức cần thiết và cũng là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Điều 5, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ nêu rõ các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, việc doanh nghiệp không tổ chức hoặc tổ chức cho có các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân, lao động là khá phổ biến.  

Nguyễn Long