bn-current-user-online-portlet

Online : 3937
Total visited : 150755747

Điều trị trẻ viêm não Nhật Bản tại bệnh viện Sản Nhi

12/12/2022 09:08 View Count: 570

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường,… ở một nửa số người sống sót. Để cùng hiểu hơn về bệnh viêm não Nhật Bản mời các bạn cùng trao đổi với Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

PV: Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản là gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương: Nguyên nhân viêm não Nhật Bản là do một loại virus viêm não Nhật Bản (JEV) thuộc nhóm B gây ra. Virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm Arbovirus, họ Togaviridae, giống Flavivirus, lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Loại virus này thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và nhiễm virus West Nile, lây lan qua đường muỗi đốt.

Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Vì vậy, viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh:

PV: Các triệu chứng viêm não Nhật Bản ?

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương: Sốt cao, co giật, hôn mê là 3 triệu chứng viêm não Nhật Bản điển hình nhất của viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường chỉ xuất hiện từ ngày thứ 3 trở đi và đến lúc này thì đã muộn: “Có những trường hợp viêm não ác tính thì chỉ trong 24 giờ, bệnh nhân co giật hôn mê rồi ngừng thở, ngay cả thở máy lúc đấy cũng không còn hiệu quả, vì đã bị hoại tử não dẫn đến chết não”.

Giai đoạn ủ bệnh: Viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh là từ 5 – 14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt của bệnh.

Giai đoạn khởi phát: Sau giai đoạn ủ bệnh, virus viêm não Nhật Bản vượt qua hàng rào mạch máu – não và gây phù não với các triệu chứng khởi phát đột ngột sốt cao 39 – 40 độ C hoặc hơn. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1 – 2 ngày đầu có thể gặp dấu hiệu như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng,…

Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ còn là đau bụng, tiêu chảy, nôn giống như ngộ độc ăn uống.

Giai đoạn toàn phát: Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày 6 – 7, triệu chứng viêm não Nhật Bản tiến vào giai đoạn toàn phát. Triệu chứng bệnh nổi bật nhất trong giai đoạn này là tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú.

Sang ngày thứ 3 – 4 của bệnh, các triệu chứng không giảm mà diễn tiến nặng hơn. Người bệnh từ mê sảng kích thích dần rơi vào hôn mê sâu. Không những vậy, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên. Người bệnh vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, mạch nhanh, huyết áp tăng, rối loạn nhịp thở. Cuồng sảng, ảo giác, tăng trương lực cơ khiến người bệnh nằm co quắp, giật rung các cơ mặt và chi. Ở một số người bệnh còn có trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.

Giai đoạn lui bệnh: Từ ngày thứ 8 trở đi, nhiệt độ cơ thể người bệnh giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không có tình trạng bội nhiễm. Các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với một số di chứng suốt đời như: điếc, liệt chi,… ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.Trẻ bị viêm não Nhật Bản thường có triệu chứng sốt cao kèm theo đau đầu, nôn hoặc buồn nôn.

PV: Viêm não Nhật Bản có lây không và đối tượng nào dễ bị viêm não Nhật Bản

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương: Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan và nhanh chóng bùng phát thành dịch bệnh trong cộng đồng. Do đó, viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ 5-9 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh và gây biến chứng nếu chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh Viêm não Nhật Bản.

Điều trị cho trẻ mắc viêm não Nhật Bản

PV: Xin bác sĩ cho biết cách phòng ngừa viêm não Nhật Bản như thế nào ?

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương: Đối với viêm não Nhật Bản, chủ động phòng ngừa bệnh là giải pháp tốt nhất. Có thể như là các biện pháp:

Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng.

Tiêm phòng vắc xinHiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh. Do đó, biện pháp chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Lưu ý, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không đủ hiệu lực bảo vệ, tiêm 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ trên 80%, tiêm 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ 90% – 95% trong khoảng 3 năm. Hiện nay, tại Việt Nam lưu hành 3 loại vắc xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản: Jevax – Việt Nam ; Imojev- Thái Lan; JEEV - Ấn Độ.

Cảm ơn Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tham gia buổi phỏng vấn và giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức về bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh !./.

Nguyễn Hạnh