bn-current-user-online-portlet

Online : 3773
Total visited : 150772029

Bắc Ninh tổ chức họp đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi

06/05/2022 15:28 View Count: 1371

Ngày 6-5, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đồng chí Trần Thị Vân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì (ảnh). Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hạnh Chung, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022). Dự thảo Luật gồm 10 chương, 101 điều (tăng 1 chương, 10 điều so Luật hiện hành).

Các đại biểu dự hội nghị nhất trí cao về sự cần thiết của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá Dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung để khắc phục những khó khăn, bất cập qua thực thi Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, đồng thời thể chế hóa các lường lối, chính sách được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; bảo đảm cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục kế thừa có chọn lọc các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đang được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Các đại biểu cho ý kiến vào nhiều nội dung để hoàn thiện Dự thảo Luật: Thẩm quyền cấp và thu hồi Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; các chức danh nghề nghiệp cần được cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; việc sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam; hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh chữa bệnh từ xa; điều trị nội trú ban ngày; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ kỹ thuật cao; điều trị cho ngươi mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên.

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu quy định Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, có cơ chế tài chính cụ thể để huy động xã hội hóa, phát huy vai trò của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vấn đề cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề nhận được nhiều ý kiến. Tại Điều 21 của Dự thảo Luật quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Tại Điều 25 Dự thảo quy định: Việc cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là khó khả thi, bởi nếu Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề trong toàn quốc sẽ dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Vì vậy, kiến nghị phân cấp cho các Sở Y tế thực hiện.

Tại Điều 22 Dự thảo quy định: Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là cứng nhắc, khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào Việt Nam. Nên quy định mở, chỉ cần có cơ chế sử dụng người phiên dịch hiệu quả.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân ghi nhận những ý kiến trách nhiệm của các đại biểu; tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội và làm căn cứ để ĐBQH nghiên cứu tham gia phiên thảo luận về Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Nguyễn Huệ