bn-current-user-online-portlet

Online : 2587
Total visited : 150730244

Cẩn trọng với dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh

28/06/2023 14:28 View Count: 910

Trẻ sơ sinh thường có làn da vàng hơn so với trẻ lớn, nguyên nhân là do hàm lượng bilirubin trong máu cao. Tình trạng này sẽ giảm dần sau khoảng 1 tuần sau sinh. Tuy nhiên, có không ít trường hợp trẻ bị vàng da nhưng lại là bệnh lí, không những không tự khỏi mà còn có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến cuộc sống và tính mạng trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Hoàng Thị Hương – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, các bố mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có các biểu hiện vàng da. Bệnh viện Sản nhi đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ sơ sinh nhập viện khoảng 10 – 15 ngày sau sinh với biểu hiện vàng da nặng. Bởi bố mẹ nghĩ rằng vàng da sơ sinh là hiện tượng bình thường và sẽ tự hết nên không cho con đi khám hay can thiệp bằng biện pháp gì.

Thông thường, ở trẻ sơ sinh, trong vòng 3 đến 5 ngày sau sinh, hồng cầu thai nhi vỡ sinh ra sắc tố vàng làm trẻ bị vàng da. Nhiều trường hợp sẽ tự hết sau 7 đến 10 ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, bệnh lí vàng da tiến triển nhanh và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Đối với vàng da bệnh lí, mức độ hồng cầu bị vỡ nhiều hơn. Những trẻ bị xuất huyết ở bụng, não, hoặc trẻ tăng chu trình ruột gan, thiếu men, bất đồng nhóm máu mẹ con sẽ làm mức độ vàng da nặng nề hơn.

Kĩ thuật chiếu đèn điều trị vàng da sơ sinh đã được triển khai tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhi, và TTYT trên toàn tỉnh

Nếu vàng da xuất hiện ngày thứ nhất, thứ hai sau sinh thì diễn biến thường nhanh, trẻ dễ lâm vào tình trạng nặng. Có những trẻ ngày đầu mới vàng ở mặt nhưng đến ngày sau đã vàng qua bàn chân, bàn tay. Bệnh vàng da ở trẻ nếu để quá một tuần sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ, dễ gây ra các biến chứng do chất bilirubin tăng xâm nhập vào nhân xám não làm tổn thương não dẫn tới nguy cơ tàn tật, bại não ở trẻ. Do vậy, với vàng da sơ sinh nếu can thiệp trước khi tổn thương não thì bé sẽ hồi phục sức khỏe nhanh.

Tiêu biểu cho trường hợp này, vừa qua bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 8 ngày tuổi, bị vàng da khắp vùng bụng ra phía cẳng chân, tay. Khi nhập viện, bé đã gồng cứng, co giật do biến chứng bệnh vàng da gây ra tổn thương não. Khi khai thác bệnh sử phụ huynh mới cho biết, lúc mới sinh cũng thấy cháu có hơi vàng da. Nhưng nghĩ là vấn đề bình thường ở trẻ nhỏ. Mẹ sinh thường nên hôm sau được về ngay. Về nhà thấy bé vẫn bú và ngủ bình thường nên cũng không để tâm lắm. Nhưng thấy biểu hiện vàng da càng ngày càng tăng, kèm theo bú kém, cứng người, co giật nên gia đình mới đưa đến viện thì bác sĩ thông báo đã bị biến chứng não.

Đây chỉ là một trong những trường hợp bị biến chứng do phát hiện vàng da bệnh lí muộn. Bác sĩ Hương đặc biệt nhấn mạnh, vàng da sơ sinh bệnh lí là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm như: trẻ mắc bệnh gan mật bẩm sinh, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, bệnh tan máu bẩm sinh, xuất huyết dưới da, nhiễm virus bào thai,… Lúc này, triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ sau sinh và kéo dài hơn 10 ngày.

Theo dõi sát những biểu hiện bất thường để phát hiện kịp thời vàng da sinh lí để đưa trẻ đi điều trị

Phụ huynh cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ nên khó thấy, nên khi ấn vào sẽ thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.

“Bệnh lý vàng da sẽ nặng dần theo phạm vi ảnh hưởng lên cơ thể trẻ. Cụ thể, nếu trẻ bị vùng đầu mặt cổ thì tình trạng nhẹ hơn còn nếu vàng da đến rốn, qua rốn hay vàng đến cả bàn chân, tay thì trẻ đã bị vàng da rất nặng. Có những trường hợp vàng da kèm sốt, lừ đừ, co giật, gồng cứng… và nặng nhất là trẻ sẽ tử vong”, bác sĩ Hương cho biết.

Nhiều cha mẹ tự tắm nắng để chữa vàng da cho con bằng cách che phần đầu đến cổ của bé và để phần ngực bụng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên cách làm này theo các chuyên gia y tế là ít hiệu quả. Cách tốt nhất là đưa trẻ đến bệnh viện để được nhân viên y tế theo dõi chiếu đèn cho trẻ.

Hiện nay, tất cả các TTYT tuyến huyện và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đều đã triển khai điều trị vàng da bệnh lí cho trẻ bằng phương pháp chiếu đèn. Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay bởi khá đơn giản. Trẻ sẽ được chiếu đèn ánh sáng thích hợp và được theo dõi bởi cán bộ y tế. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ kết hợp điều trị bằng cung cấp nước và năng lượng qua đường bú hoặc truyền dịch để làm tăng tốc độ chuyển hóa bilirubin và giảm nồng độ chất này trong máu. Điều này sẽ giúp các dấu hiệu vàng da cũng giảm dần, trẻ không gặp phải nguy hiểm do biến chứng thần kinh khi Bilirubin tăng cao trong máu. Với các trường hợp vàng da sơ sinh nặng, phát hiện muộn và trẻ có nguy cơ cao đối mặt với biến chứng nhiễm độc thần kinh, cần điều trị giảm nhanh Bilirubin trong máu bằng cách thay máu. Kĩ thuật này sẽ thực hiện tại bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương. Khi đã thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm, bác sĩ có thể chỉ định truyền nước, theo dõi hoặc chiếu đèn để giảm dần Bilirubin về mức bình thường.

Nếu điều trị tích cực, vàng da bệnh lý sẽ khỏi sau khoảng vài ngày đến 1 tuần, khi bilirubin trở về mức an toàn không còn nguy cơ biến chứng đến não, khi đó, gia đình có thể yên tâm theo dõi và điều trị tại nhà. Tùy thuộc vào loại vàng da mà trẻ mắc phải, bố mẹ nên theo dõi sát các dấu hiệu để kịp thời xác định vàng da bệnh lí và đưa trẻ đi khám sớm. Đặc biệt, cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa để trẻ nhanh chóng hồi phục.

Thanh Xuân