bn-current-user-online-portlet

Online : 2688
Total visited : 150726681

Giải pháp giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 tại TTYT huyện Yên Phong

13/04/2024 08:45 View Count: 521

Năm 2023,  Trung tâm Y tế huyện Yên Phong đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu về Dân số - KHHGĐ. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh có nguy cơ tăng cao trở lại. Năm 2023, toàn huyện có 2116 trẻ sinh ra sống, trong đó có 1181 bé trai; 935 bé gái; tỷ số giới tính khi sinh là126,3 bé trai/100 bé gái. Có 688 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm tỷ lệ 32,5%.

Qua khảo sát các trường hợp sinh con thứ 3 tại huyện Yên Phong cho thấy, sinh con thứ 3 không chỉ xảy ra ở những hộ gia đình khá giả mà thực tế vẫn còn xảy ra ở ngay cả những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, với mong muốn có nếp, có tẻ cho vui cửa, vui nhà. Tình trạng này cho thấy sự chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với một số cán bộ, đảng viên bị giảm sút, không còn mang tính tiên  phong, gương mẫu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh con thứ 3 trở lên như:  Tư tưởng trọng nam, khinh nữ, quan niệm phải có con trai nối dõi tông đường, để nương tựa khi về già còn khá nặng nề ở nhiều gia đình. Thực tế, phần lớn phụ nữ chưa có quyền chủ động trong việc sinh con mà chịu sức ép từ gia đình nhà chồng. Mặt khác khi cơ chế thị trường thay đổi, nhiều gia đình có kinh tế phát triển nên đã có nhu cầu sinh thêm con, cho dù đã có cả con trai và con gái để cho vui cửa, vui nhà và để phòng tai nạn rủi ro. Chính vì vậy quy mô gia đình nhỏ đang dần bị phá vỡ. Đối tượng sinh con thứ 3 trở lên hiện nay số đông tập trung ở những gia đình khá giả, có hiểu biết về chính sách dân số nhưng vẫn cố tình vi phạm chứ không phải là đối tượng nghèo hoặc thiếu hiểu biết về kiến thức CSSKSS/KHHGĐ nên việc tuyên truyền của cán bộ dân số là rất khó khăn và vất vả.

Mặt khác, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều lao động nữ đang bước vào độ tuổi sinh đẻ, trong khi đó số phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ lại thấp, tuổi thọ của người dân ngày càng cao do công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn nên đây cũng chính là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hàng năm. Mặt khác kết quả công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa phát triển nên phần nào đã làm thay đổi mật độ dân số và sự di cư dân số giữa các địa phương, từ đó khó kiểm soát được mức sinh cũng như các vấn đề khác về công tác dân số và phát triển. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về chính sách Dân số - KHHGĐ chưa đầy đủ còn hạn chế. Họ cố tìm cách lách luật và sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh thêm con. Những hình thức mà người vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ phải chịu vẫn còn ở mức nhẹ nên không đủ sức răn đe.

Chính những nguyên nhân khách quan này khiến tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng trở lại. Ngoài ra, nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác Dân số - KHHGĐ; các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục về chính sách Dân số - KHHGĐ ở một số nơi còn bị xem nhẹ…đã dấn đến tình trạng khó kiểm soát tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có14/14 xã, thị trấn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao (đều trên 30%).

Để hạn chế tình trạng trên, hướng đến ổn định mức sinh trong thời gian tới cần phải đưa ra một số giải pháp tập trung như sau: Trước mắt cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác Dân số - KHHGĐ trong việc ban hành các chính sách, đầu tư nguồn lực để giải quyết có hiệu quả các mục tiêu chính sách Dân số - KHHGĐ. Khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan, thỏa mãn trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là ở những nơi kết quả thực hiện các mục tiêu Dân số - KHHGĐ còn thấp. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số gắn với xếp loại công nhận các danh hiệu thi đua.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông, vận động, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân, tạo thành phong trào toàn dân hưởng ứng thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ cùng là giải pháp các địa phương cần đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên.Tăng số lượng và chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và củng cố các mô hình can thiệp truyền thông có hiệu quả như mô hình câu lạc bộ, góc truyền thông, góc thân thiện, tuyên truyền tư vấn trực tiếp.Lồng ghép hoạt động nội dung, nguồn lực để duy trì hoạt động truyền thông thường xuyên với hoạt động truyền thông các đề án, truyền thông trong chiến dịch. Khuyến khích gia đình, lãng xã xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong thực hiện chính sách dân số gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới ở từng  địa phương.Tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ ở các địa bàn có mức sinh cao, đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và người có uy tín tr ong cộng đồng góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ngoài ra, việc đảm bảo cung cấp đầy đủ các phương tiện tránh thai, mở rộng phạm vi và tăng số lượng tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai.

Năm 2024, để tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch về công tác dân số theo Nghị quyết đại hội đề ra, trong thời gian tới ngành dân số Yên Phong  cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân số; Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu, rộng chủ trương của Đảng, pháp luậ của Nhà nước, Nghị quyết của BTV huyện, Quy định của UBND huyện về công tác dân số. Đưa công tác dân số thành một nội dung quan trọng trong chương trình công tác thường kỳ của địa phương, lấy kết quả thực hiện tốt mục tiêu chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình làm một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các tập thể, cá nhân trong đơn vị. Tiếp tục xây dựng và thực hiện đề án giảm thiểu giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 của địa phương.

Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục tuyên truyền làm thay đổi hành vi đối tượng: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục làm chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi tạo phong trào toàn dân thực hiện đẻ ít, đẻ thưa, mỗi gia đình chỉ nên sinh đủ 2 con, không lựa chọn giới tính thai nhi. Tổ chức thành công các đợt chiến dịch thông tin giáo dục tuyên truyền, chăm sóc SKSS/KHHGĐ hàng năm.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát huy, khai thác sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ đáp ứng đầy đủ, kịp thời dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ theo nhu cầu của đối tượng, nâng cao chất lượng phục vụ để đối tượng chủ động sử dụng dịch vụ góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ. Cung cấp các BPTT cho đối tượng sử dụng một cách đầy đủ, chất lượng cao, tăng cường tiếp thị PTTT và đa dạng hóa PTTT cho từng nhóm đối tượng trên địa bàn toàn huyện.

Thanh Thương