bn-current-user-online-portlet

Online : 2705
Total visited : 150726706

Hội thảo hướng dẫn triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2024 – 2026

01/08/2024 09:52 View Count: 61

Ngày 31/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh (CDC) tổ chức hội thảo “Hướng dẫn triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2024 – 2026” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động phòng chống AIDS, đồng thời đảm bảo tính bền vững và phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở Y tế, CDC và đại diện lãnh đạo, cán bộ kế toán, kế hoạch, cán bộ chuyên trách của các đơn vị thực hiện Dự án gồm: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, TTYT các huyện, thị xã, thành phố và Trại tạm giam – Công an tỉnh.

Giai đoạn 2024 – 2026, Cục Phòng chống HIV/AIDS triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tại 39 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tại Bắc Ninh, 12 đơn vị thực hiện Dự án gồm BVĐK tỉnh, CDC, Bệnh viện Sản Nhi, 8 TTYT huyện, thị xã, thành phố và Trại tạm giam – Công an tỉnh. Bên cạnh mục tiêu củng cố và tăng cường hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; Dự án Quỹ toàn cầu giai đoạn 2024 – 2026 trọng tâm vào mục tiêu mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV, nâng tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV lên 80% vào năm 2030. Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, được điều trị thuốc kháng virus HIV lên 95%; tỉ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; góp phần loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Đại diện CDC báo cáo những thay đổi về tổ chức quản lý, thực hiện dự án giai đoạn 2024 - 2025

Giai đoạn 2024 – 2026, cơ chế quản lý dự án Quỹ toàn cầu sẽ có sự thay đổi so với các giai đoạn trước. Kinh phí không cấp từ trung ương về tỉnh, tỉnh cấp cho các đơn vị và thực hiện thanh quyết toán tại tỉnh; mà hiện nay kinh phí sẽ không cấp về địa phương, tất cả các thủ tục, chứng từ sẽ được gửi ra trung ương (Dự án Quỹ toàn cầu) và thực hiện thanh quyết toán tại trung ương. Như vậy, các cơ sở y tế, cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc Dự án sẽ vừa triển khai các hoạt động theo kế hoạch, chỉ tiêu; vừa gửi hóa đơn, chứng từ cho CDC để CDC tổng hợp gửi Quỹ kiểm soát chi qua kho bạc và thanh toán.

Hội nghị có sự tham gia của 12 đơn vị tham gia triển khai các hoạt động của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV.AIDS

Tại hội nghị, CDC với vai trò là cơ quan đầu mối đã báo cáo tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS do Quỹ toàn cầu hỗ trợ giai đoạn 2024 - 2026, bao gồm: hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; hoạt động xét nghiệm HIV; hoạt động điều trị HIV/AIDS, điều trị viêm gan C và điều trị PrEP; hoạt động theo dõi, đánh giá. Đặc biệt, hội thảo trọng tâm vào các nội dung thay đổi và cần lưu ý của các hoạt động. Nổi bật là những thay đổi trong công tác tài chính; hướng dẫn thủ tục, quy trình thực hiện xét nghiệm tải lượng virus HIV với các đối tượng ngoài BHYT (các mẫu mua dịch vụ); các chế độ khuyến khích, hỗ trợ cho cán bộ y tế và các đối tượng khác thực hiện công tác phòng chống HIV; khuyến khích hoạt động truyền thông hoạt động tự xét nghiệm qua website và điều trị PrEP…

Giai đoạn 2024 – 2026 là giai đoạn hoạt động phòng chống HIV/AIDS phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, dịch vẫn có xu hướng tăng ở nhóm trẻ tuổi và nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Do đó, việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV vẫn là một trong những giải pháp tối ưu góp phần hạn chế HIV lây lan, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS.

Nguyễn Oanh