bn-current-user-online-portlet

Online : 2694
Total visited : 150730345

Quyền, nghĩa vụ của người bệnh được quy định trong luật khám bệnh, chữa bệnh

04/12/2023 14:52 View Count: 204

Theo quy định, người bệnh không bị ép buộc phải tham gia khám bệnh, chữa bệnh và chỉ trừ 1 số trường hợp bắt buộc chữa bệnh cụ thể.

Chương II của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có dành hẳn 2 mục để nói về quyền và nghĩa vụ của người bệnh. Theo đó, điều đầu tiên được quy định là khẳng định quyền được khám bệnh, chữa bệnh đối với tất cả mọi người.

Cụ thể, người bệnh được thông tin, giải thích về tình trạng sức khỏe; phương pháp, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; được hướng dẫn cách tự theo dõi, chăm sóc, phòng ngừa tai biến. Đồng thời được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn phù hợp với bệnh, tình trạng sức khỏe của mình và điều kiện thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quyền, nghĩa vụ của người bệnh được quy định trong luật khám bệnh, chữa bệnh- Ảnh 2.

Người dân có quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh 1 cách đầy đủ và công khai.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người bệnh có quyền lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc từ chối khám bệnh, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, để được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình sau khi đã được người hành nghề tư vấn, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều 82 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, người bệnh có quyền rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quyền, nghĩa vụ của người bệnh được quy định trong luật khám bệnh, chữa bệnh- Ảnh 3.

Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Đối với trường hợp người bệnh là người thành niên và rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng trước đó đã có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về khám bệnh, chữa bệnh thì thực hiện theo nguyện vọng của người bệnh.

Nhưng nếu người bệnh không có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về khám bệnh, chữa bệnh của mình thì cần có người đại diện hoặc nếu không có người đại diện thì các quyết định thuộc về người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mục 2; Chương II của Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định rõ nghĩa vụ của người bệnh. Theo đó, người bệnh cần thực hiện tối thiểu 3 nghĩa vụ sau: Đầu tiên là thể hiện sự tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thứ 2 là phải chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh và cuối cùng là đảm bảo chi trả đầy đủ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đó, việc người bệnh chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm việc phải cung cấp trung thực và chịu trách nhiệm về thông tin liên quan đến nhân thân, tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần yêu cầu thân nhân, người đến thăm mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Người bệnh cũng hoàn toàn có quyền kiến nghị về tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc và vấn đề khác trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời có thể được nhận bồi thường theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong 1 số trường hợp.

Source: SKĐS