bn-current-user-online-portlet

Online : 2502
Total visited : 151038258

Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) tại tỉnh Bắc Ninh

13/03/2024 09:29 View Count: 253

Y tế là lĩnh vực khoa học thực hành, do đó, song song với công tác đào tạo, công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật gắn liền với nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài sau khi được nghiệm thu đã phục vụ trực tiếp cho công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, là bằng chứng thực tiễn góp phần rất lớn trong việc xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển từng đơn vị nói riêng và phát triển ngành Y tế nói chung.

Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) do Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tài trợ được triển khai tại tỉnh Bắc Ninh từ năm 2019 với 01 khách hàng đầu tiên, đến 31/12/2023 sau gần 5 năm triển khai thực hiện chương trình, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh trên phần mềm HMED, số khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất một lần tại 03 cơ sở điều trị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế Thị xã Quế Võ và Trung tâm Y tế huyện Gia Bình là 423 khách hàng, trong đó số khách hàng là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ 44,2%; nhóm tuổi dưới 35 là chủ yếu chiếm tỷ lệ  46,3% số khách hàng đang điều trị; các khách hàng đang điều trị PrEP từ 3 tháng trở lên chỉ đạt 25,6%.

Tư vấn cho khách hàng về việc tuân thủ điều trị PrEP tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS

Thuốc PrEP hoạt động rất hiệu quả trong việc ngăn chặn một người nhiễm HIV. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt. Tất cả mọi người dùng PrEP nên đảm bảo uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ, nhưng điều đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ chuyển giới và nam giới chuyển giới có quan hệ tình dục qua đường âm đạo là uống thuốc đều đặn mỗi ngày để được bảo vệ hoàn toàn trong quá trình quan hệ qua đường âm đạo. Bỏ lỡ việc uống thuốc càng nhiều ngày, thuốc sẽ càng ít bảo vệ đối với bất kỳ sự phơi nhiễm nào xảy ra trong khoảng thời gian đó.

Mặc dù chương trình điều trị PrEP đã được triển khai từ năm 2019 nhưng hiện tại chưa có nghiên cứu nào đánh giá về thực trạng tuân thủ điều trị PrEP của nhóm khách hàng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh. Ngày 28/2/2024, Hội đồng nghiên cứu khoa học tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề cương nghiên cứu: “Thực trạng tuân thủ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) của nhóm khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2024 và một số yếu tố liên quan”.

Đề tài thực hiện với mục tiêu nhằm tìm hiểu thực trạng tuân thủ điều trị PrEP ở nhóm nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và những yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị trong nhóm đối tượng này. Đối tượng nghiên cứu là những khách hàng đang uống thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hàng ngày và hồ sơ bệnh án của khách hàng từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2024 tại 03 cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế Thị xã Quế Võ, và Trung tâm Y tế huyện Gia Bình).

Dự kiến đề tài nghiệm thu vào cuối năm 2024, với mong muốn những kết quả thu được từ đề tài sẽ đưa ra được các khuyến nghị phù hợp trong việc nâng cao việc tuân thủ điều trị của khách hàng, đóng góp vào việc giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV tại tỉnh đặc biệt trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV….

Bùi Thị Ngoan – Khoa PC HIV/AIDS
Source: CDC