bn-current-user-online-portlet

Online : 2218
Total visited : 151117998

Tăng cường vai trò của nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tiếp cận, giới thiệu, chuyển gửi khách hàng sử dụng và duy trì dịch vụ điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

13/05/2024 08:38 View Count: 82

Trong những năm qua, việc tiếp cận nhóm nam có quan hệ tình dục với nam (MSM) trong cộng đồng, bên cạnh những nỗ lực của nhân viên y tế, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của các tổ chức dựa vào cộng đồng, trong đó nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng MSM đóng vai trò nòng cốt.

Nhóm nam có quan hệ tình dục với nam (MSM) là một trong các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch HIV trên cả nước nói chung và tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Đặc biệt các đối tượng MSM tại tỉnh chủ yếu là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, hầu hết các bạn trẻ đều rất kín tiếng, e dè vì sợ bị kỳ thị. Do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, chỉ có người trong cùng cộng đồng mới hiểu được cộng đồng muốn gì, nhu cầu ra sao, vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn, giúp cho các đối tượng nguy cơ cao sớm tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, điều trị PrEP, điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị đồng nhiễm khác trên địa bàn, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh hiện có 23 nhân viên tiếp cận cộng đồng (NVTCCĐ) trong đó 17 NVTCCĐ nhóm Tiêm chích ma túy và 6 NVTCCĐ nhóm MSM. Mạng lưới NVTCCĐ đang thực hiện công việc tiếp cận, truyền thông về HIV/AIDS, cung cấp các vật phẩm giảm tác hại như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm cho khách hàng có hành vi nguy cơ cao. Tư vấn xét nghiệm HIV ngoài cộng đồng, kết nối khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm khẳng định HIV và kết nối vào chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó họ cũng giới thiệu, chuyển gửi khách hàng chưa nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Tuy nhiên, việc thực hiện các hoạt động trên của các NVTCCĐ chủ yếu là tiếp cận và cung cấp vật dụng can thiệp; việc hỗ trợ, kết nối chuyển gửi khách hàng thành công đến các dịch vụ như TVXN HIV, Điều trị PrEP còn hạn chế.

Do đó, trong thời gian tới để nâng cao vai trò của đội ngũ NVTCCĐ trong việc tiếp cận, giới thiệu, chuyển gửi khách hàng sử dụng và duy trì dịch vụ điều trị PrEP cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở y tế nơi quản lý các nhóm NVTCCĐ, cán bộ quản lý chương trình tại tỉnh và các nhóm NVTCCĐ trong việc triển khai chương trình như phân công, giao chỉ tiêu cho các nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tiếp cận, kết nối và hỗ trợ duy trì tuân thủ điều trị PrEP của khách hàng, xác định số lượng khách hàng mới do nhân viên tiếp cận cộng đồng giới thiệu và khách hàng duy trì điều trị trên 3 tháng do nhân viên tiếp cận cộng đồng hỗ trợ; định kỳ tổ chức, tham dự giao ban với các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng nhằm đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu, hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tiếp cận, kết nối, hỗ trợ duy trì tuân thủ điều trị PrEP cho khách hàng; hướng dẫn, hỗ trợ các nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tổng hợp báo cáo, hoàn thiện chứng từ thanh quyết toán theo quy định.

Bùi Thị Ngoan- Khoa PC HIV/AIDS
Source: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh