bn-current-user-online-portlet

Online : 4360
Total visited : 150807371

Hướng dẫn cách xử trí khi quên uống thuốc PrEP hàng ngày

23/04/2024 08:06 View Count: 2163

PrEP là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao chưa nhiễm HIV. Người sử dụng PrEP được uống thuốc kháng vi rút HIV (ARV) hàng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV

Thuốc PrEP hoạt động rất hiệu quả trong việc ngăn chặn một người nhiễm HIV. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.

Tất cả mọi người dùng PrEP nên đảm bảo uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ, nhưng điều đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ chuyển giới và nam giới chuyển giới có quan hệ tình dục qua đường âm đạo là uống thuốc đều đặn mỗi ngày để được bảo vệ hoàn toàn trong quá trình quan hệ qua đường âm đạo. Bỏ lỡ việc uống thuốc càng nhiều ngày, thuốc sẽ càng ít bảo vệ đối với bất kỳ sự phơi nhiễm nào xảy ra trong khoảng thời gian đó.

Nếu bạn lỡ quên uống thuốc PrEP hàng ngày, bạn sẽ xử trí như thế nào? Bạn hãy bỏ túi những thông tin hữu ích sau đây:

- Nếu bạn lỡ quên thuốc trong vòng 03 ngày: uống thuốc ngay khi nhớ ra, không uống quá 2 viên/ngày đầu sau khi quên thuốc. Những ngày sau uống mỗi ngày 01 viên.

- Nếu bạn lỡ quên thuốc từ 04 - 06 ngày: cần liên hệ với bác sỹ để được tư vấn và đánh giá hành vi nguy cơ của bạn trong những ngày bạn quên thuốc. Nếu bạn không có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV thì sẽ được bác sỹ tư vấn và hướng dẫn bạn tiếp tục uống thuốc PrEP theo phác đồ đã được chỉ định; nếu bạn có nguy cơ phơi nhiễm HIV thì bạn cần gặp bác sỹ để thực hiện lại xét nghiệm HIV, bác sỹ sẽ chỉ định bạn sử dụng PEP trong 28 ngày (nếu cần); sau đó bạn phải xét nghiệm lại HIV, nếu kết quả âm tính thì tiếp tục được chỉ định sử dụng PrEP.

- Nếu bạn lỡ quên thuốc từ 7 ngày trở lên, bạn cần đến gặp bác sỹ để được đánh giá lại và bạn sẽ được bác sỹ chỉ định khởi liều như một khách hàng PrEP mới (bạn không cần làm lại xét nghiệm creatinin và HBsAg nếu bạn đã có kết quả trong vòng 6 tháng qua).

Bùi Thị Ngoan - Khoa PC HIV/AIDS
Source: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh