bn-current-user-online-portlet

Online : 2921
Total visited : 150726823

TTYT Tiên Du: Tăng cường truyền thông nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

03/05/2024 09:52 View Count: 81

Thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Công tác truyền thông Dân số - KHHGĐ đã được triển khai đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cộng đồng xã hội. Thực hiện các mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Kết quả công tác dân số - KHHGĐ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân, cũng như góp phần vào sự bình đẳng, tiến bộ cho phụ nữ.

Công tác tuyên truyền vận động đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Hiện nay, qui mô dân số huyện Tiên Du năm 2022 gần 160 nghìn người; giai đoạn 2019-2022 công tác dân số đã duy trì mức sinh thay thế (tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2019 là 1,1-1,2%). Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng dân số nói chung, công tác Dân số - KHHGĐ nói riêng trên địa bàn huyện Tiên Du còn một số tồn tại, hạn chế: Mức sinh thời kỳ vừa qua tuy được duy trì, nhưng tỷ lệ sinh con lần 3 trở lên có xu hướng tăng rất cao: Năm 2020: 28,26%; năm 2021: 28,69%; năm 2022: 28,26; năm 2023: 25,81%.Tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao (năm 2019 là 121 bé trai/100 bé gái, năm 2022 tỷ lệ này là 120,9; năm 2023 ở mức: 112,6. Tỷ số giới tính khi sinh tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái. Theo kết quả đánh giá hàng năm giai đoạn 2017-2022, TSGTKS của huyện trong khoảng 120 nam/ 100 nữ, thậm chí có năm là 129/100, cho thấy mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao. Với những cha mẹ đã có hai con nhưng chưa có con trai, xác suất sinh thêm con lên đến trên 30%. Tuy nhiên, đối với cha mẹ đã có hai con trai, tỷ lệ này vẫn cao… Như vậy, cha mẹ không có con trai có tỷ lệ sinh thêm con cao gấp đôi.

Nguyên nhân cơ bản là truyền thống văn hóa trọng nam hơn nữ, muốn có bằng được con trai để nối dõi tông đường do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo. Nguyên nhân trực tiếp là tình trạng lạm dụng tràn lan các tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ trong việc chẩn đoán và lựa chọn giới tính thai nhi Bên cạnh đó, quy mô gia đình ít con đã và đang được chấp nhận phổ biến, an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa được đảm bảo tốt.

Theo đó, các giải pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần tập trung một số nội dung sau. Thứ nhất là hoạt động truyền thông giáo dục :Huy động những người có uy tín trong cộng đồng tích cực ủng hộ các hành vi có lợi về dân số và phát triển; lồng ghép nội dung truyền thông vào sinh hoạt của cộng đồng;

Tăng cường sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể để triển khai các hình thức truyền thông phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng. Đề nghị đưa việc thực hiện chính sách dân số vào hương ước, quy ước của cộng đồng, vào tiêu chuẩn làng, gia đình văn hóa.Tổ chức các sự kiện truyền thông, gây ấn tượng mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; tạo dư luận xã hội đồng thuận, ủng hộ việc xây dựng và thực hiện các hành vi có lợi và phê phán các hành vi vi phạm về chính sách dân số và phát triển.Tổ chức hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung khai thác, phát triển lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Đài phát thanh, truyền hình thường xuyên đưa tin về thông tin dân số và phát triển; xây dựng và phát sóng các chương trình chuyên đề về dân số và phát triển định kỳ hàng tháng.

Thường xuyên cập nhật các thông tin dân số và phát triển lên Fanpage, Youtube, trang web. Truyền thông qua hệ thống mạng điện thoại di động, các mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok; gắn các banner truyền thông trên các trang web có nhiều người truy cập. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp của đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, khu phố khi đến thăm hộ gia đình.Tổ chức các đợt trọng điểm, chiến dịch truyền thông giáo dục gắn với tư vấn và cung cấp dịch vụ cho học sinh tại các trường THPT.

Đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi nhận thức, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi thông qua các loại hình truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp, pano tuyên truyền. Tiếp tục đưa các nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào tuyên truyền, tại các trường THCS, THPT thông qua các hoạt động ngoại khóa, hội nghị chuyên đề.Tổ chức hội nghị chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho các xã, phường, thị trấn với các nội dung về bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, không phân biệt con gái con trai, không lựa chọn giới tính thai nhi, quan tâm đầu tư cho trẻ em gái, ưu tiên cơ hội việc làm cho phụ nữ,... cho cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và mới kết hôn, người có uy tín trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành các vi phạm pháp luật về dân số; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm. Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan. Kiểm tra, giám sát theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.Thực hiện thanh tra, kiểm tra các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở kinh doanh, lưu hành sách, ấn phẩm có nội dung tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát hỗ trợ thực hiện công tác dân số các cấp huyện, xã và cộng tác viên.

Đồng thời, đề xuất ban hành và bổ sung các chính sách về dân số gắn với xây dựng gia đình văn hóa; đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc. Qua đó, từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, Góp phần thực hiện chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh huyện Tiên Du ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025, tiến tới giảm dần và đạt mức cân bằng tự nhiên, cần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội là việc làm vô cùng quan trọng và đóng vai trò quyết định.

Nguyễn Huệ