bn-current-user-online-portlet

Online : 3494
Total visited : 151050091

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

03/10/2017 14:40 View Count: 103
Theo thông tin từ Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) Nước ta có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, trong đó người từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011 và nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho thấy, hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi (NCT), tương đương khoảng 11%. Riêng số NCT từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011.

Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Australia 73 năm, Hoa Kỳ 69 năm, Canada 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 17% (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người). Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng, dòng di cư quốc tế…

“Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác CSSK NCT. Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của APEC, vì vậy vấn đề già hóa dân số và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đã được coi là một ưu tiên của APEC. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính quốc tế và là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực cũng như của thế giới”, Thứ trưởng Lê Tuấn cho biết.

Tại nước ta hiện nay, 65,7% NCT sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, CSSK, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là chúng ta có khoảng 10 năm sống không khỏe.

NCT Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp…). Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% NCT sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu. Đa số NCT gặp khó khăn về vật chất. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho NCT; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT...

Kỷ niệm 27 năm Ngày Quốc tế NCT 01/10 năm nay 2017, Liên hợp quốc đã thông báo chủ đề: “Bước vào tương lai: Khai thác tài năng, huy động sự đóng góp và tham gia của NCT trong xã hội” và chủ đề của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế là: “Chủ động với thích ứng già hóa dân số” với mong đợi các Bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh/thành phố, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trọng Tiến