Thống kê truy cập

Online : 4452
Đã truy cập : 150582092

Bệ phóng đồng bằng

24/05/2024 18:34 Số lượt xem: 74

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có mạng lưới giao thông dày đặc, tỉnh Bắc Ninh nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” nhằm tăng tính kết nối và lan tỏa. Đây được xác định là giải pháp quan trọng nhằm giảm tai nạn, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường, tạo “bệ phóng” phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, của đất nước đã và đang được triển khai thi công giúp tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh công nghiệp, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là điểm sáng trong thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Phối cảnh tổng thể dự án đường Vành đai 4-Vùng thủ đô Hà Nội.

Biến ý chí thành hành động

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang khẳng định: Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn và vận dụng linh hoạt các chính sách phù hợp để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều công trình giao thông quan trọng được triển khai đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của tỉnh, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai. Bắc Ninh đang trên chặng nước rút trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế. Ngay từ bây giờ, tỉnh xác định phải đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng… để hướng tới phát triển đô thị xanh, thông minh, các hạ tầng số cốt lõi tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định, tập trung cải tạo nâng cấp kết hợp phát triển xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ với các phương án phát triển các hạ tầng kỹ thuật khác, là cầu nối, động lực phục vụ phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ - thương mại, logistics theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, thông minh, phù hợp với các đô thị lớn. Trước mắt, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng ưu tiên đầu tư các công trình có tính đột phá, bao gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến nội tỉnh có nhu cầu vận tải lớn, kết nối liên vùng, vừa góp phần tăng cường bảo đảm trật tự ATGT, bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải, vừa kiến tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển hài hoà, bền vững, xứng với tiềm năng. Biến ý chí thành hành động, tỉnh giao ngành Giao thông vận tải chủ trì triển khai đồng loạt các dự án, công trình giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng cao đã, đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển.

Cầu Kinh Dương Vương, dấu ấn Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Tạo sự kết nối liên thông

Cầu Kinh Dương Vương vừa được đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2023 không chỉ là điểm nhấn kiến trúc đô thị của Bắc Ninh trong tương lai, mà còn có vai trò trung tâm kết nối mạng lưới giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh, liên kết vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và phụ cận, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững. Triển khai xây dựng cầu Kinh Dương Vương đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều khó khăn, phức tạp nảy sinh, nhiều lần phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế nhằm bảo đảm chất lượng công trình, khẳng định tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Ninh trong chiến lược xây dựng mạng lưới giao thông thông minh, hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển. Cầu Kinh Dương Vương được thiết kế hiện đại, đồng bộ cả về cấu trúc và giá trị văn hóa, với quy mô vĩnh cửu; mặt cắt ngang cầu rộng 22,5m; 25 nhịp, thiết kế bê-tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu, là cầu vòm thép cao nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại (chiều cao từ mặt cầu đến đỉnh vòm cao nhất 67m). Hiện tại, đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý dự án xây dựng giao thông, Sở Giao thông vận tải tiếp tục đôn đốc nhà thầu hoàn thiện các hạng mục chiếu sáng nghệ thuật; ATGT; quan trắc cầu chính và hạng mục đầu rồng, quả cầu, nhằm tạo nét đặc trưng riêng của mảnh đất địa linh nhân kiệt Bắc Ninh - Kinh Bắc. Dự án mở rộng, cải tạo cầu Ngà (Thành  phố Bắc Ninh-thị xã Quế Võ) nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của Quốc lộ 18 cũng đang chạy đua cùng thời gian. Hiện tại, gói thầu mở rộng mặt cầu đã được thông xe kỹ thuật, khắc phục cơ bản tình trạng ùn tắc phương tiện vào giờ cao điểm, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, góp phần khơi thông nguồn lực phát triển nội tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận. Đơn vị chủ đầu tư và các nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng hai bên đường để hoàn thành công trình giai đoạn I vào tháng 6 năm nay và giai đoạn II trong năm 2025. Đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, nằm ở cửa ngõ của thành phố Bắc Ninh, lượng người, phương tiện tham gia giao thông lớn, luôn quá tải, khi dự án hoàn thành không chỉ giải quyết triệt để tình trạnh ách tắc giao thông mà còn lưu thông hàng hoá, dịch vụ của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.   Siêu dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận thành phố Bắc Ninh, thị xã Thuận Thành, Quế Võ và huyện Gia Bình quy mô 4 làn xe, có chiều dài hơn 35km đang gấp rút triển khai các phần việc. Tại các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo dự án tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo dự án tỉnh luôn nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát số liệu chính xác diện tích đất ở, đất trang trại, đất giao trái thẩm quyền, đất nền… và số hộ dân bị ảnh hưởng… báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng quy định, tiến độ, yêu cầu đề ra. Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội khi hoàn thành không chỉ giữ vai trò quan trọng trong liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị, mà còn tạo ra động lực phát triển mới, đưa Bắc Ninh trở thành thành phố thông minh, đáng sống. Cùng với việc hoàn thành một số công trình trọng điểm như: Thông xe kỹ thuật cầu Kinh Dương Vương; ĐT.287 đoạn từ QL.38 mới đến QL.18; giai đoạn 1 mở rộng cầu Ngà; tổ chức khởi động dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2023, ngành Giao thông vận tải triển khai dự án đầu tư xây dựng ĐT.285B (đoạn từ ĐT.295, xã Đông Tiến đến QL.3 mới, huyện Yên Phong) và Nút giao hoàn chỉnh nối ĐT.285B với QL.3 mới, dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3 mới; ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2… Đây là tiền đề quan trọng để Bắc Ninh thực hiện thành công mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo đà phát triển đô thị và dịch vụ hiện đại, góp phần thu hút các nhà đầu tư, Tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến với Bắc Ninh.

(Sưu tầm)

 

 

 

Nguyễn Đức Thịnh - Ban Quản lý dự án XDGT Bắc Ninh
Nguồn: https://baobacninh.vn/be-phong-ong-bang-89162.html