Thống kê truy cập

Online : 2684
Đã truy cập : 150306354

Bị CSGT tước giấy phép lái xe: Bỏ bằng lái, thi lại được không?

25/01/2024 15:33 Số lượt xem: 3567

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, khi người dân bị tạm giữ giấy phép lái xe vì vi phạm giao thông thì không thể bỏ bằng lái đó để đi học một bằng khác.

Không thể học lại, thi lại khi bị tạm giữ GPLX

Gửi câu hỏi đến Báo Giao thông, bạn Đồng Anh Tú (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, không ít tài xế đã bị lập biên bản, xử phạt tiền và tước giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn nhiều tháng (cao nhất có thể đến 24 tháng).

"Bị cảnh sát giao thông (CSGT) tạm giữ GPLX, thì có thể bỏ bằng lái đó và thi lại để lấy GPLX mới không?", bạn Tú hỏi.

 

Trả lời nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, tước GPLX là tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn. Đây là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động tham gia giao thông.

Khoản 1, Điều 25, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, trong thời gian bị tước quyền sử dụng GPLX, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, cụ thể là lái xe.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, về nguyên tắc, nếu bị tước GPLX trong một khoảng thời gian, tức là người vi phạm không được quyền lái các loại xe tương tự trong khoảng thời gian bị tước đó. Do vậy, khi chưa hết thời hạn bị phạt thì người này cũng không được học, thi và cấp GPLX mới.

Ngoài ra, theo điểm g, khoản 3, Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ thì sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.

Đồng thời, người khai báo gian dối để đăng ký thi GPLX mới còn bị tịch thu các giấy tờ, tài liệu giả mạo.

"Chính vì thế, những trường hợp bị tước GPLX thì người dân nên chấp hành nghiêm, không nên khai báo gian dối để tránh vướng vào những rắc rối về pháp lý", ông Bình cho hay.

Bị tước GPLX mà vẫn lái xe: Xử phạt thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nếu bị tước GPLX mà cố tình điều khiển phương tiện giao thông thì có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí là phạt tù nếu gây tai nạn giao thông.

Bởi Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định và có GPLX phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Việc điều khiển phương tiện khi bị tước GPLX sẽ bị xử phạt như hành vi điều khiển xe khi không có GPLX.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 175cm3 mà không có GPLX phù hợp sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng. Với xe máy dung tích trên 175cm3, mức phạt là 4-5 triệu đồng.

Mức phạt sẽ là 10-12 triệu đồng cho hành vi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô mà không có GPLX, sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng GPLX bị tẩy xóa.

Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả như làm chết người; làm người khác thương tật từ 61% trở lên hay gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trường hợp người gây tai nạn không có GPLX theo quy định hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, khung hình phạt theo khoản 2 Điều này sẽ là phạt tù 3-10 năm.

"Như vậy, trường hợp đã bị tước GPLX mà vẫn điều khiển phương tiện gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt 3-10 năm tù", luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

 

ĐTS
Nguồn: baogiaothong.vn