Thống kê truy cập

Online : 3481
Đã truy cập : 150366916

Chi bộ Trung tâm đăng kiểm sinh hoạt chuyên đề quý 3 năm 2023

10/08/2023 15:13 Số lượt xem: 830

Thực hiện Chương trình công tác của Chi bộ, ngày 03/08/2023, Chi bộ Trung tâm đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề Quý 3 năm 2023 với chủ đề: “lãnh đạo tổ chức thực hiện các phong trào thi đua”.

Ảnh sinh hoạt chuyên đề của Chi Bộ Trung tâm đăng kiểm phương tiện GTVT Bắc Ninh

Tham dự và chỉ đạo buổi sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Phạm Thanh Phương, Đảng uỷ viên, Bí thư chi bộ cùng toàn thể Đảng viên trong Chi bộ.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Phạm Thanh Phương, Bí thư chi bộ đã nhấn mạnh mục đích và yêu cầu của hoạt động này. Buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm thực hiện kế hoạch công tác năm 2023, Kế hoạch Học tập chuyên đề năm 2023 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; với mục đích thực hiện tốt 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống thi đua yêu nước; yêu cầu đảng viên được phân công trình bày chuyên đề trình bày ngắn gọn, rõ ràng nội dung chuyên đề, các đảng viên trong Chi bộ chú ý lắng nghe, có ý kiến trao đổi về nội dung, hình thức và ý nghĩa của chuyên đề đối với bản thân.

Nội dung chuyên đề do đồng chí Nguyễn Quốc Đại trình bày. Nội dung chuyên đề cụ thể như sau.

Phần thứ nhất: Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, được hình thành trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, về thi đua xã hội chủ nghĩa, về vai trò của quần chúng kết hợp với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”; những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ đạo thực tiễn của Người, rút ra một số điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước như sau:

- Quan điểm về thi đua: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

- Mục đích thi đua yêu nước: Là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, để đem lại kết quả đầu tiên là: “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.

- Nội dung thi đua yêu nước: Phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.

- Cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp Nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.

- Phương châm thi đua yêu nước: Người chỉ rõ “Thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. “Giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Phần II. Tình hình thực hiện các phong trào thi đua ở đơn vị

  Dựa trên cơ sở lý luận nêu trong phần I, đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua tại đơn vị.

Phần III. Phương hướng, nhiệm vụ và một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng thực hiện phong trào thi đua ở đơn vị trong thời gian tới, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ các nội dung trên, trong báo cáo chuyên đề đã đưa ra các giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua

Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua

Thứ tư, tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thi đua – Khen thưởng.

Thứ sáu, đổi mới nội dung, hình thức khen thưởng nhằm tạo động lực làm việc cho VC-NLĐ.

Thứ bảy, đổi mới công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng phong trào thi đua

Trong phần thảo luận, các đồng chí tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề đã phát biểu ý kiến trao đổi, góp ý cho chuyên đề, giúp người nghe ý thức và thấy được trách nhiệm cụ thể của từng Đảng viên trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của người Đảng viên và nhiệm vụ được giao.

Buổi sinh hoạt chuyên đề đã thành công tốt đẹp và thực sự có ý nghĩa./.

 

Nguyễn Đức Trăng
Nguồn: Trung tâm Đăng kiểm phương tiện GTVT Bắc Ninh