Thống kê truy cập

Online : 2115
Đã truy cập : 150281527

Một năm nhìn lại công tác xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông”

19/04/2024 14:31 Số lượt xem: 242

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 87 ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 71 ngày 24/3/2023 của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh An toàn toàn giao thông” (ATGT), công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, góp phần giữ vững trật tự ATGT - trật tự xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang trao mũ bảo hiểm cho học sinh

trong buổi tổ chức ra mắt mô hình thí điểm “Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông”

tại Trường THPT Hàn Thuyên (thành phố Bắc Ninh) ngày 11/4/2024.

Một số kết quả đạt được

Theo báo cáo của Ban cán sự UBND tỉnh, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 87 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 71 của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh ATGT”, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt triển khai nghiêm túc hiệu quả các nội dung Nghị quyết, tạo sự đồng thuận dự luận, chuyển biến rõ nét về nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông trong nhân dân. Nổi bật là ban hành Bộ tiêu chí “An toàn giao thông” gồm: Cơ quan đơn vị, trường học an toàn giao thông; xã, phường, thị trấn, làng nghề ATGT; Doanh nghiệp ATGT; tuyến đường tự quản ATGT; gia đình, dòng họ, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ATGT. Bộ tiêu chí về ATGT với doanh nghiệp và tuyến đường tự quản ATGT; tiêu chí bảo đảm ATGT trong đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng; nhiều mô hình, cách làm hay về bảo đảm trật tự ATGT sáng tạo được nhân rộng đến từng thôn, khu phố, gia đình, trường học…

Với vai trò nòng cốt, Công an tỉnh chỉ đạo, huy động tối đa lực lượng, phương tiện thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Công tác xử lý vi phạm chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin: Triển khai thí điểm hệ thống tuần tra sử dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh để “phạt nguội”, chỉ huy điều hành giao thông trên môi trường điện tử… Từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 4 năm 2024, các lực lượng chức năng toàn tỉnh đã kiểm tra, lập biên bản tổng số 45.401 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 38.717 trường hợp, Kho bạc Nhà nước thu 103,5 tỷ đồng…

Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT tỉnh cùng các địa phương thường xuyên rà soát, thống kê những tuyến đường giao thông còn bất cập trong tổ chức giao thông. Đến nay cơ bản các điểm đen TNGT được xử lý (lắp dải phân cách cứng khu vực Cầu Hồ; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tại ngã tư Đông Côi; lắp 100% gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường…), hoàn thành đưa vào sử dụng Cầu Kinh Dương Vương; mở rộng cầu Ngà; khánh thành cầu Như Nguyệt; các kiến nghị về tổ chức giao thông đều được tiếp nhận, phản hồi và xử lý kịp thời. Đặc biệt, tình hình TNGT được kiềm chế: từ 14/3/2023 đến 14/3/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 455 vụ TNGT, làm chết 216 người, bị thương 300 người. So với cùng kỳ trước đó giảm 86 vụ (16%), giảm 53 người chết (20%), giảm 71 người bị thương (19,1%)…

Công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh triển khai sâu rộng, Công an tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương trên địa bàn không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đến cơ quan doanh nghiệp, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên tăng ni phật tử, giáo dân, gia đình, dòng họ… Trong đó đã nhận diện và tập trung tuyên truyền đúng vào nhóm đối tượng có tỷ lệ gây lên TNGT, vi phạm giao thông cao (công nhân, lao động ngoại tỉnh, lái xe…). Ban quản lý các khu Công nghiệp tỉnh tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về TT ATGT đối với 417 công ty, 238 doanh nghiệp, 53.286 công nhân lao động, 315 nhà hàng, 174 quán rượu; treo 1.570 khẩu hiệu tuyên truyền về TT ATGT. Tổ chức 1.000 buổi tuyên truyền pháp luật về TT ATGT cho 1.452.42 lượt người tham gia; tuyên truyền cho khoảng 372.799 lượt học sinh, 33,390 lượt giáo viên. Xây dựng 235 mô hình Cổng trường an toàn; 218 mô hình tự quản ATGT tại các cổng trường… Công an tỉnh phối hợp với Sở giáo dục & Đào tạo và Sở giao thông vận tải triển khai xây dựng mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh…

Những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng, triển khai mô hình “ Tỉnh ATGT”

Công tác bảo đảm TT ATGT được xác định là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và là nhiệm vụ của toàn xã hội, do đó công tác bảo đảm TTATGT phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, Chính quyền; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò lòng cốt, xung kích, chủ động phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương thực hiện.

Thực hiện đồng bộ 5 giải pháp để ổn định và giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông, gồm: Quản lý an toàn giao thông; đường an toàn và lưu thông an toàn; phương tiện giao thông an toàn; người tham gia giao thông an toàn; ứng phó sau tai nạn. TT ATGT chỉ có thể được đảm bảo khi và chỉ khi các giải pháp được tiến hành đồng bộ. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, xây dựng phương án tổ chức lại giao thông phù hợp với thực tiễn, chú trọng các tuyến, địa bàn giao thông phức tạp và giải quyết các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác bảo đảm TT ATGT (nhất là hoạt động tuần tra kiểm soát, giám sát TT ATGT), nhằm nâng cao hiệu quả công tác, giảm bớt hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông ngoài đường, đảm bảo công khai, minh bạch, cũng như phòng ngừa sai phạm.

Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lực lượng Công an phải luôn bám sát và nắm chắc tình hình, chủ động có kế hoạch, bố trí lực lượng hợp lý, sử dụng đồng bộ và có hiệu quả các mặt công tác để đạt được mục tiêu đề ra.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TT ATGT đi đôi với cưỡng chế bắt buộc việc chấp hành pháp luật về TT ATGT, từ đó đề cao trách nhiệm, tự giác chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm pháp luật về TT ATGT, thực hiện nếp sống “Văn hóa giao thông”.

Sau một năm triển khai xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới: công tác bảo đảm TTCC, TTĐT tại một số địa phương sau đợt cao điểm có dấu hiệu trùng xuống, tái diễn tình trạng vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, một số điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; việc triển khai, thực hiện của một số sở, ban, ngành, cấp uỷ, chính quyền cơ sở còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong việc đề xuất các nhiệm vụ mới, một số nhiệm vụ bị chậm so với thời gian đặt ra.

 

 

Trương Thị Hằng
Nguồn: Văn phòng Ban ATGT tỉnh