Danh nhân khoa bảng đền thờ Hàn Thuyên
GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU DI TÍCH DANH NHÂN KHOA BẢNG
Đền thờ lưu niệm danh nhân Hàn Thuyên thuộc thôn Lai Hạ, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Một di tích cấp Quốc Gia được xếp hạng năm 1994. Đây cũng là một di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu nhất của huyện Lương Tài cho đến ngày nay.
Nơi đây thờ cụ Hàn Thuyên, cụ có tên thật là Nguyễn Thuyên, cụ thuộc dòng dõi nhà quan, là một danh nhân khoa bảng triều Trần. Cụ thi đỗ Thái học sinh năm 1247. Làm đến chức Thượng thư hình Bộ. Năm 1282 có nạn cá sấu đến sông Lô hoành hành dân thường. Thượng thư hình bộ là Nguyễn Thuyên làm bàn văn tế ném xuống sông, cá sấu tự đi mất, cùng góp công sức đánh đuổi giặc quân ra khỏi bờ cõi nước nhà. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Vũ cho đổi họ là Hàn Thuyên. Hàn Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc âm, từ đây chữ quốc âm (hay chữ Nôm) mới được sử dụng nhiều ở nước ta.
Ông làm quan trong triều, sau đó về trĩ sĩ tại quê nhà. Ông đã cho xây nhà ở của mình to đẹp quá quy định so với quy mô kiểu cách của triều đình. Việc đó có kẻ ghen tỵ ở địa phương đã tâu lên triều đình, nhà vua cho quan quân về tận nơi xem xét thực hư. Được tin thế, Nguyễn Thuyên đã cho người chuyển tượng phật ở chùa làng cạnh đó về nhà, khi quan triều đình đến- ông nói đó là nhà thờ phật tại gia, do vậy việc qua đi, sau ông còn được triều đình ban thưởng rất hậu, nhưng ông chỉ xin ban cho dân địa phương, được đặt quyền quản lý đánh bắt cá ở các sông nhỏ trong vùng.
Sau khi ông qua đời nhân dân địa phương nhớ ơn, biến nơi thờ phật tại gia nơi đây thành đền thờ phụng tưởng niệm về ông và có tên gọi là “Thiên Mỗ Tự”.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử được khởi dựng cách đây trên 7 thế kỷ nên đền thờ Cụ Hàn Thuyên không còn được nguyên vẹn như xưa, nhằm phát huy bảo tổn những giá trị di sản văn hóa của dân tộc, những năm vừa qua chính quyền nhân nhân thôn Lai Hạ đã quy hoạch xây dựng lại ngôi đền thờ cụ Hàn Thuyên to đẹp, khang trang hơn tại khuôn viên cũ của đền ở phía Tây Bắc của làng. Nơi đây vẫn lưu giữ lại được nhiều tài liệu hiện vật cổ quý đó là ngai, bài vị tượng thờ cụ Hàn Thuyên, bài văn tế cá sấu, hệ thống bia đá gồm 23 chiếc từ thế kỷ 14 đến triều Nguyễn, 2 tượng hậu bằng đá xanh,cầu đá, hoành phi câu đối, đồ thờ tự…. các di vật bằng đất nung như nghê, sấu, gạch, ngói được trang trí hoa dây, lá cỏ liên đại thời Lý-Trần. Các tài liệu hiện vật còn lưu giữ tại đây như một bảo tàng sống góp phần vào nghiên cứu tìm hiểu về danh nhân khoa bảng Hàn Thuyên. Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày Húy 17 tháng 5 âm lịch để tôn vinh, tưởng nhớ vị danh nhân khoa bảng quê hương. Nơi đây vẫn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng động của nhân dân địa phương. Nơi góp phần giáo dục phát huy truyền thống khoa bảng của nhân dân quê nhà và gìn giữ văn hóa Việt Nam tiên tiến đập đà bản sắc dân tộc./.