Thống kê truy cập

Online : 2747
Đã truy cập : 150722961

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông góp phần nâng cao chất lượng dân số

13/10/2023 15:08 Số lượt xem: 311

Thực tế trong nhiều năm qua, với những đặc trưng liên quan đến vị trí địa lí, kinh tế xã hội nên hoạt động công tác dân số trên địa bàn tỉnh bn luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh – chỉ đạo một cách kịp thời, toàn diện và lâu dài. Trong đó, công tác truyền thông về dân số - sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là nhiệm vụ hết sức cần thiết để góp phần đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu về Dân số và SKSS.

Bắc Ninh là tỉnh thuộc Đồng bằng Sông hồng có diện tích tự nhiên 822,71km2; bao gồm 04 huyện,  02 thị xã và 02 thành phố trực thuộc tỉnh, với 126 xã, phường, thị trấn; dân số tính đến ngày 31/09/2023 là 1.337.559 người, mật độ dân số cao 1.625 người/ km2. Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp và làng nghề, hằng năm thu hút nhiều người lao động từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về lao động, học tập; di biến động dân cư khá lớn, quản lý dân cư khó khăn.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các Cấp uỷ Đảng, Chính quyền, sự phối hợp tham gia tích cực của các Sở, ngành, đoàn thể và hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, công tác Dân số của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Có thể kể đến là nhận thức của toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt; Quy mô gia đình có một hoặc hai con được nhiều người chấp nhận; tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên từ 0,9% năm 2021 xuống 0,59% năm 2023 (giảm 0,31%), Giảm tỷ suất sinh thô từ 13,21‰ năm 2021 xuống 10,62‰ năm 2023 (giảm 2,592‰), Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 29,7% năm 2021 xuống 27% năm 2023 (giảm 2,7%), sử dụng mới và duy trì tỷ lệ áp dụng các biện  pháp tránh thai hiện đại của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ gần 70%, thành quả đó đã đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác truyền thông về Dân số từ năm 2021 - 2023 được tiến hành trong bối cảnh có sự thay đổi về tổ chức bộ máy. Năm 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bắc Ninh được sáp nhập về Sở Y tế, thành lập Phòng Dân số thuộc Sở Y tế, Trung tâm Dân số tuyến huyện sáp nhập với Trung tâm Y tế. Do đó cung tác động đến hoạt động công tác truyền thông về Dân số- SKSS/KHHGĐ trên địa bàn. Các cấp đều có phân công cán bộ phụ trách truyền thông, tuy nhiên ở cấp xã, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ của Trạm Y tế nên ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, cung cấp biện pháp tránh thai phi lâm sàng đến người dân, chủ yếu tổ chức lồng ghép với các hoạt động chuyên môn.

Để triển khai hoạt động truyền thông dân số, hằng năm Sở Y tế tham mưu, xây dựng và ban hành các văn bản để tổ chức, triển khai công tác Dân số trong toàn tỉnh và được cụ thể hoá triển khai thực hiện ở cấp huyện, xã như: Nghị quyết, Chỉ thị của cấp uỷ, chính quyền về công tác Dân số…Đến nay 100% huyện, thị xã, thành phố, các xã phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trong đó có nhiệm vụ về công tác Dân số và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng thời, đã ban hành qui chế hoạt động; hoạt động về Dân số được triển khai đồng bộ cả 3 cấp và thu được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Hiện nay, Sở Y tế đang tiếp tục duy trì chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động Dân số - KHHGĐ với Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - KHHGĐ, UBND tỉnh và các ngành liên quan phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện công tác Dân số và các Chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương. Hằng năm, Sở Y tế tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động công tác Dân số tại Trung tâm Y tế cấp huyện và Trạm Y tế các xã, phường thị trấn, Đặc biệt vào đợt cao điểm như: Chiến dịch Chăm sóc SKSS, các sự kiện truyền thông, các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm…đều cử cán bộ giám sát, hỗ trợ các địa phương tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông về Dân số. Tại các cấp huyện, xã đều tổ chức 2 đợt giám sát/năm vào giữa năm và cuối năm với đầy đủ các thành phần gồm Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và cán bộ trực tiếp phụ trách công tác truyền thông - giáo dục.

Hoạt động truyền thông dân số được triển khai ở cả 3 cấp từ tỉnh, huyện đến xã. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, duy trì các mô hình đã và đang hoạt động có hiệu quả tại địa phương. Đẩy mạnh việc lồng ghép truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển vào các chương trình, hoạt động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; các hoạt động ngoại khóa về dân số và phát triển tại các khối trường; tư vấn, tuyên truyền và cung cấp dịch vụ thân thiện cho đối tượng lứa tuổi vị thành niên/thanh niên; truyền thông tư vấn gắn với cung cấp dịch vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực tập trung người lao động di cư đến...Hỗ trợ, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm…cho các nhóm đối tượng do các ban ngành, đoàn thể quản lý. Phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh và Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên đưa tin về thông tin dân số và phát triển; xây dựng các phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, tin bài về công tác dân số. Tăng cường tuyên truyền các hoạt động trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế, trên mạng xã hội (Fanpage, Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok...), các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; gắn các banner truyền thông trên các trang web có nhiều người truy cập. Tổ chức, tham gia các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về dân số và phát triển trên nền tảng mạng xã hội, Internet.

Tại cấp huyện, TTYT các huyện, thị xã, thành phố cũng duy trì và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp như tư vấn; thăm tại nhà; thảo luận nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề…tập trung vào dịp chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao. Tổ chức lễ mít tinh ra quân cổ động, nói chuyện chuyên đề, truyền thanh, làm mới panô khẩu hiệu. Triển khai mở rộng các hình thức truyền thông phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng như: Truyền thông, giáo dục và tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, trên internet, mạng xã hội, điện thoại di động, tư vấn tại cộng đồng; chú trọng truyền thông, tư vấn về SKSS/KHHGĐ, mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn trước hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe NCT, cách nuôi con khoa học để nâng cao thể lực, tầm vóc và trí tuệ. Tuyên truyền các hoạt động trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Y tế, trên mạng xã hội (Fanpage, Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok...), các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; gắn các banner truyền thông trên các website có nhiều người truy cập;

Có thể nói, công tác truyền thông Dân số - SKSS/KHHGĐ đã tạo được sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động góp phần vào kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng Dân số trên địa bàn tỉnh; tốc độ gia tăng Dân số đã giảm nhiều; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng; tỷ lệ người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ CSSKSS ngày càng cao. Tuy nhiên, hiện nay nội dung, thông điệp về Dân số dành cho các nhóm đối tượng đích của chương trình Dân số dù đã được biên soạn và cải tiến, tuy nhiên còn chưa phong phú, đa dạng về thể loại. Hình thức truyền thông trực tiếp về Dân số tại cơ sở dành cho các nhóm đối tượng đích, tại một số địa phương áp dụng chưa linh hoạt chưa thu hút được nhiều đối tượng, độ bao phủ chưa rộng. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông Dân số các cấp, đặc biệt là cán bộ làm công tác truyền thông trực tiếp tại cơ sở còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền do công tác đào tạo tập huấn chưa đầy đủ, chưa thực sự tâm huyết với công việc. Trang thiết bị truyền thông các cấp chưa đầy đủ so với yêu cầu, một số trang thiết bị truyền thông đã xuống cấp, hỏng ảnh hưởng đến hoạt động truyền thông. Kinh phí đầu tư cho công tác truyền thông Dân số, đặc biệt là kinh phí đầu tư cho hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở còn hạn chế, mức hỗ trợ còn hấp so với yêu cầu của công tác Dân số tại cơ sở hiện nay.

Do đó, Sở Y tế cũng đề nghị Tổng Cục Dân số - KHHGĐ tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ truyền thông nòng cốt nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về công tác Dân số. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư kinh phí hoạt động về Dân số, mua sắm trang thiết bị; cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông mẫu phục vụ công tác truyền thông Dân số các cấp.

Thân Hảo