bn-current-user-online-portlet

Online : 3257
Total visited : 150766409

Quy hoạch giao thông trong xây dựng tỉnh Bắc Ninh Theo định hướng phát triển bền vững đến 2030, tầm nhìn 2050.

10/07/2012 00:37 View Count: 1198
Xây dựng vùng Bắc Ninh phát triển theo hướng bền vững cần nghiên cứu, xem xét phát triển đô thị cần dựa trên tư duy sinh thái. Khi xây dựng quy hoạch vùng Bắc Ninh thì việc hình thành quy hoạch giao thông trước làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch vùng đô thị là rất quan trọng.
Đặt vấn đề
Có thể khẳng định, việc hình thành quy hoạch giao thông trước hay sau ở các đô thị rất quan trọng. Chỉ sau khi bố cục tổ chức không gian đô thị và hệ thống giao thông chính được xác định, bộ xương cốt của đô thị mới được hình thành và đó là căn cứ để người ta xác lập những quy hoạch trong phạm vi nhỏ hơn.
Trong các quy hoạch của các phạm vi nhỏ hơn, quy hoạch giao thông với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác kèm theo phải đi trước một bước, rồi sau đó mới có thể tiến hành lập các quy hoạch chi tiết 1/500 cho các khu ở hoặc các khu chức năng nhỏ khác. Lâu nay ta thường làm ngược quy trình này nên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, không hoàn chỉnh. Vấn đề chủ yếu ở đây là trước khi giao dự án đầu tư chi tiết với các chức năng cụ thể cho các chủ đầu tư riêng lẻ, trước tiên phải có một chủ đầu tư chung về hạ tầng kỹ thuật cho cả khu vực.
Xây dựng vùng Bắc Ninh phát triển theo hướng bền vững cần nghiên cứu, xem xét phát triển đô thị cần dựa trên tư duy sinh thái, đó là tái phân phối sự tập trung các hoạt động kinh tế từ vùng lõi ra các trung tâm thứ cấp, nghiên cứu phát triển hệ thống đô thị trong đó đô thị lõi tập trung và đi cùng với nó là những thị trấn vừa và nhỏ, có quy mô dân số vừa phải, thân thiện với môi trường, thay vì con người tập trung vào những nơi có mật độ xây dựng dày đặc mà cho phép có những vành đai xanh thiên nhiên xem vào gữa những khu vực được coi là đông dân cư, khu công nghiệp, du lịch.v.v.
Quy hoạch giao thông giai đoạn 2010 đến 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt vầ cơ bản đã thỏa mãn định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn 2015 đến 2020, tầm nhìn 2030 với cơ cấu kinh tế được xác định là: Dịch vụ- Công nghiệp- Nông nghiệp. Trong quy hoạch giao thông về cơ bản, thỏa mãn cho việc phát triển đô thị theo hướng bền vững như ý tưởng quy hoạch đang đề xuất đó là: Quy hoạch đô thị lõi là Thành phố Bắc Ninh, Tiên Du, Từ Sơn, các đô thị vệ tinh (Chờ- Yên Phong; Phố Mới- Quế Võ; Hồ- Thuận Thành), hai chùm đô thị gắn với huyện Lương Tài, Gia Bình. Đáp ứng cho nhu cầu phát triển du lịch, vui chơi giải trí trong giai đoạn đến 2030.
Với định hướng quy hoạch vùng Bắc Ninh đến năm 2050 với quy mô dân số khoảng 2,4 triệu người/822,71Km2, gắn với quy hoạch liên vùng cần thiết phải nghiên cứu một cách toàn diện và đi trước một bước.
 
Quy hoạch giao thông trong quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh đến 2030.
1.     Cơ sở lý luận trong quy hoạch hệ thống giao thông trong tỉnh
Để có một hệ thống giao thông thỏa mãn yêu cầu phát triển trong tương lai, cần nghiên cứu nhu cầu vận chuyển hàng hóa và con người trên địa bàn một cách hợp lý và khoa học. Hệ thống giao thông tỉnh Bắc Ninh phải thỏa mãn nhu cầu đi lại của số dân gần 2,4 triệu người và lượng khách du lịch tương đương 7,5 triệu người/ năm (nguồn quy hoạch du lịch tỉnh BN) cùng với lượng hàng hóa luân chuyển liên vùng, nội vùng trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, cụ thể cần đáp ứng nhu cầu vận chuyển và đi lại với các cự ly, đó là:
- Phạm vi liên vùng hoặc xa hơn: Hoạt động liên quan đến vận chuyển hàng hóa, du lịch. Trong quy hoạch cần thiết đề cập đến mối liên hệ giữa Bắc Ninh với Thủ đô Hà nội, các tỉnh lân cận (Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên.v.v.).
- Trong phạm vi vùng tỉnh: Đích đến được xác định trong nội khu vực tỉnh Bắc Ninh (từ đô thị trung tâm đến đô thị lõi, từ các khu chức năng với nhau hay từ các đô thị vệ tinh đến đô thị khác).
- Trong phạm vi vùng đô thị trung tâm: Hình thức hoạt động KTXH đặc trưng cho sự phối hợp đồng bộ về mặt kinh tế giữa các địa bàn trong cùng một vùng đô thị trung tâm (quảng trường trung tâm, nhà ga, sân bay, sân vận động).
- Cự ly gần: Đích đến trong một phạm vi gần xung quanh nơi ở hoặc nơi học tập, làm việc, sản xuất.
Đặc biệt trong phát triển bền vững của tỉnh Bắc Ninh quy hoạch giao thông phải đáp ứng được nhu cầu vận tải để tận dụng tối đa lợi thế vị trí của Bắc Ninh là sát Hà Nội, nằm trên hai hành lang từ Hà Nội đến Quảng Ninh, Hải Phòng thông ra biển (QL 18), hành lang Hà Nội đi Nam Ninh (Quảng Tây).
Định hướng quy hoạch các tuyến đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cao: Các tuyến đường liên kết liên vùng (giao thông đối ngoại) quốc lộ qua tỉnh đề xuất bề rộng từ 80-100m, nghiên cứu có hành lang xanh phân cách giữa đường và đô thị. Các tuyến đường tỉnh có cắt ngang từ 50 đến 80m.
 
2.     Định hướng quy hoạch xây dựng mạng lưới giao thông
a) Đường bộ:
a.1. Giao thông liên vùng (giao thông đối ngoại)
Đây là hệ thống trục chính liên kết vùng, được xác định bởi các tuyến giao thông:
- Các tuyến quốc lộ: Quốc lộ: QL18 (Nội Bài- Hạ Long); QL1 (Hà Nội- Lạng Sơn); QL38 (Bắc Ninh- Hưng Yên); Quốc lộ III; Đường vành đai Hà Nội: VĐ IV; VĐ III.
- Các tuyến đường tỉnh quy hoạch:
+ Liên kết vùng Hà Nội- Bắc Ninh- Bắc Giang: ĐT 295B; 295C; 287; ĐT 277B; ĐT277.
+ Liên kết Bắc Ninh- Bắc Giang: ĐT 295.
+ Liên kết Hà Nội- Bắc Ninh- Hải Dương: ĐT 282; 282C.
+ Liên kết Bắc Ninh- Hưng Yên: ĐT276; ĐT 283;
+ Liên kết Bắc Ninh- Hải Dương: ĐT 281.
Với các tuyến giao thông liên vùng cần đặc biệt quan tâm đến vàng đai xanh dọc hai bên tuyến đường khi xây dựng, nhằm đảm bảo có không gian tốt và thân thiện môi trường khi các tuyến đường vận hành khai thác.
a.2. Giao thông nội vùng tỉnh Bắc Ninh.
     - Vùng đô thị lõi (Thành phố Bắc Ninh- Tiên Du- Từ Sơn).
     + Giao thông được liên kết bởi 3 tuyến đường trục: ĐT 295B; ĐT 295C và QL1.
     - Liên kết nội vùng tỉnh Bắc Ninh:
     + Các tuyến đường hướng tâm: QL38; QL18 cũ; ĐT286; ĐT 285C; ĐT 276; ĐT277; ĐT 287.
     + Các tuyến xuyên tâm: QL18; QL1; ĐT285C
     + Các tuyến vành đai liên kết các trung tâm du lịch, văn hóa; công nghiệp: ĐT 282; ĐT282B; ĐT285C; ĐT283; ĐT278; ĐT284; ĐT285; đặc biệt tuyến vành đai liên kết ĐT276- ĐT281- ĐT285C là tuyến đường nối thông và bao quanh tỉnh Bắc Ninh sẽ giải tỏa mọi ách tắc giao thông có thể xảy ra.
a.3. Giao thông nội đô thị, giao thông tĩnh.
     Đây là hệ thống giao thông nằm trong khu vực đô thị, phục vụ nhu cầu vận chuyển nội đô thị, nội vùng hặc liên đô thị với cự ly gần do vậy khi định hướng quy hoạch giao thông nội vùng đã đề xuất phải đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đảm bảo từ 18 đến 26%, mặt cắt ngang tuyến đường đảm bảo tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 2 làn cho phương tiện thô sơ hoạt động.
     Quy hoạch hệ thống giao thông nội vùng, nội đô thị: Khi quy hoạch chi tiết các vùng đô thị thứ cấp (vệ tinh) cần lập quy hoạch giao thông nội đô thị vệ tinh gắn kết với hệ thống giao thông chính (nội vùng tỉnh Bắc Ninh) trên nguyên tắc lấy hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng làm cơ sở kết nối, với tiêu chí khoảng cách kết nối các tuyến đường vào hệ thống giao thống nội tỉnh không nhỏ hơn 500m.
Giao thông tĩnh (bến, bải đỗ xe) trong các đô thị quy hoạch đã duyệt đề xuất phải có diện tích tối thiểu trên tiêu chí dân số, với quy mô 3,0Ha/10.000 dân, (tối thiểu không nhỏ hơn 3ha tại mỗi địa phương).
b) Đường sắt:
Phát triển chủ đạo theo hai tuyến đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt hiện có (Hà Nội – Lạng Sơn) và tuyến đường sắ cao tốc Yên Viên – Cái Lân, tỏng đó tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng sơn đề xuất nghiên cứu dịch chuyển lên phía bắc khoảng 2Km.
c) Đường thủy:
Chủ yếu cải tạo các tuyến sông do trung ương quản lý đảm bảo khai thác cho tàu có trong tải 3000T (với mớn nước cho phép tối đa của các phương tiện vận tải thuỷ của Sông Đuống là 2m và sông Cầu là 1,5 m khi mùa nước kiệt).
d) Đường tàu điện ngầm, tàu điện một ray (Monorail):
          Dự báo đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, nhu cầu về xây dựng tàu điện ngầm nhìn chung là chưa thích hợp đối với Bắc Ninh. Tuy nhiên cần thiết phải có định hướng chiến lược lâu dài cho hệ thống tàu điện ngầm sau này.
          Trong quy hoạch giao thông vận tải đã đề cập đến các tuyến tàu điện ngầm và tàu điện một ray trong tương lai để phát triển sau này, cụ thể:
          Đường tàu điện ngầm
Qua xem xét thấy các tuyến đường quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh thấy cơ bản tuyến đường tương đối thẳng, góc chuyển hướng không lớn, mặt cắt ngang đường tương đối rộng, có hành lang giao thông được quản lý tương đối chặt chẽ, lại đi qua nhiều khu vực, đô thị có mật độ dân cư đông đúc, yêu cầu đi lại cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tốc độ xe điện ngầm, do vậy xây dựng các tuyến xe điện ngầm đi dưới các tuyến quốc lộ hiện tại (QL38; QL18) và ĐT295B là phù hợp.
          Tuyến số 1: Kết nối Bắc Ninh- (Yên Viên) Hà Nội, tuyến có chiều dài 21Km.
          Tuyến số 2: Bắc Ninh- Quế Võ; Chiều dài tuyến khoảng 16Km
Tuyến số 3: Bắc Ninh- Thuận Thành; Chiều dài tuyến khoảng 16Km
          Đường tàu điện một ray
           Tuyến số 4: Tuyến chạy dọc theo đường ĐT287, Từ Sơn- Việt Hùng- Quế Võ.
          Tuyến số 5: Tuyến đi theo đường 285B quy hoạch (Kết nối các khu đô thị công nghiệp Yên Phong; Đại Kim; Quế Võ II; Quế Võ III).
e) Quy hoạch các nút giao liên thông, lập thể.
Trong tương lai, với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa như hiện nay, mật độ gia tăng các phương tiện tham gia giao thông lớn, hiện tượng ùn tắc giao thông có nguy có xảy ra, để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông. Cần thiết phải có định hướng cụ thể các vị trí xây dựng các nút giao lập thể liên thông.
(Việc quy hoạch các vị trí nút giao liên thông và nguyên tắc giao cắt giữa các hệ thống giao thông đã được nêu chi tiết trong quy hoạch giao thông vận tải).
Quy hoạch giao thông tầm nhìn 2050
          Quy hoạch giao thông vận tải giai đoạn 2010 đến 2020, tầm nhìn 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 28/2011/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 02 năm 2011 đã và đang được triển khai thực hiện. Quy hoạch giao thông vận tải đã và sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển tỉnh Bắc Ninh theo hướng bền vững đến 2030. Thời gian qua và hiện nay, hệ thống giao thông được tỉnh Bắc Ninh đầu tư xây dựng đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và của khu vực. Hệ thống giao thông đã đi trước một bước, làm cơ sở cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
          Giai đoạn 2030-2050:
          - Về định hướng mạng lưới giao thông trong quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh vẫn phù hợp với yêu cầu vận tải.
          - Về quy mô bề rộng thì không đáp ứng yêu cầu thông xe và nhu cầu vận chuyển.
          - Giai đoạn này cần thiết phát triển hệ thống xe điện ngầm, xe điện một ray kết nối nội vùng và liên vùng.
 
Để hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng được yêu cầu phát triển, trong giai đoạn từ nay đến 2030 cần thiết giải quyết những vấn đề sau:
1. Về nguyên tắc chung: Lấy quy hoạch giao thông làm cơ sở để xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng chức năng. Hệ thống giao thông liên vùng và nội vùng làm cơ sở để thực hiện quy hoạch dân cư, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
2. Không kết nối trực tiếp với hệ thống giao thông chính mà thông qua hệ thống đường gom.
3. Triệt để tuân thủ quy định về chỉ giới xây dựng được quy định tại quy hoạch giao thông đã được duyệt nhằm dành quỹ đất cho mở rộng đường trong giai đoạn 2030-2050.
Để xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển theo hướng bền vững, hài hoà với môi trường, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày một nâng cao theo định hướng phát triển của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh thì ngay từ bây giờ trong quy hoạch và xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh cần triệt để tuân thủ nguyên tắc: Giao thông đi trước một bước làm tiền đề để tổ chức bố trí không gian đô thị. Việc tuân thủ quy hoạch giao thông giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030 đã được tỉnh phê duyệt, chắc chắn trong tương lai đến 2050, khi tỉnh Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, đô thị Bắc Ninh sẽ không có tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay tại các đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc các thành phố khác trên thế giới.
Le Ngoc Tuyen
Source: BBN