Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 64 huyện nghèo

30/08/2017 16:32 View Count: 137

Sáng 29/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã).

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chủ trì Hội nghị. 

Dự Hội nghị có đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Trần Văn Tuấn, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Hà Ban, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Dự án 600 Phó Chủ tịch xã; đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đồng chí là Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện Lãnh đạo Ban Tổ chức tỉnh ủy, lãnh đạo Sở Nội vụ, lãnh đạo tỉnh Đoàn các tỉnh có huyện nghèo; Thường trực Ủy ban nhân dân của một số huyện và một số xã thuộc phạm vi thực hiện Dự án và đặc biệt có hơn 300 đội viên tiêu biểu của Dự án.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định vai trò của Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo đối với việc góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đây là vấn đề có nghĩa quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, đến ngày 30/6/2012, Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc phối hợp với Trung ương Đoàn và UBND 20 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng chính trị cho 580 đội viên về công tác xã, đảm bảo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hội nghị lần này được tổ chức nhằm đánh giá, tổng kết những kết quả đã đạt được cũng như những thuận lợi, khó khăn, đề xuất sau quá trình triển khai thực hiện Dự án.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung tham luận 4 nội dung, gồm: (1) Đánh giá tổng kết công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Dự án ở các Bộ, ngành và 20 tỉnh, làm rõ về chất lượng tuyển chọn và bồi dưỡng đội viên trước khi bố trí công tác về xã, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, phát triển Đảng, việc bố trí và sử dụng đội viên của Dự án trong, sau và kết thúc Dự án ở các địa phương. (2) Đánh giá đúng, khách quan và trung thực kết quả thực hiện của các đội viên khi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã để đóng góp sức trẻ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương so với mục tiêu của dự án để giúp nhân dân phát triển về sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần. (3) Đánh giá thực chất những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai Dự án; đồng thời, đề xuất những giải pháp để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng đội ngũ trí thức trẻ trong những năm sắp tới và các chương trình tiếp theo. (4) Từ thực tiễn tổ chức thực hiện dự án 05 năm qua tích cực trao đổi thảo luận về các ý kiến đặc biệt và đề xuất các giải pháp đối với việc thực hiện thu hút các trí thức trẻ về công tác tại cấp xã vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, dân tộc, miền núi trong thời gian tới để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.

Đ/c Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội nghị

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thuộc 64 huyện nghèo, qua thực tế triển khai thực hiện Dự án 64 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh cho thấy, các đội viên đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Đã có nhiều tham mưu giúp UBND xã ban hành quy chế làm việc; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và bộ phận một cửa tại UBND. Chỉ đạo, điều hành và trực tiếp tham gia thực hiện quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực phụ trách.
Các đội viên cũng đã có nhiều đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 5 năm qua, đã có 351 đội viên chủ động tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai được 834 chương trình, đề án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Có 822 mô hình (chiếm 98,6%) chương trình, kế hoạch, đề án, mô hình, dự án được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá mang lại hiệu quả.
Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của của đội viên Dự án trong 05 năm công tác cho thấy, các đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Số đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng đều qua các năm (năm 2013 có 132 đội viên; năm 2014 có 183 đội viên, năm 2015 có 168 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

Đ/c Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày Báo cáo Kết quả thực hiện Dự án

Thực hiện mục tiêu của dự án, căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quy hoạch đội viên Dự án bổ sung vào các chức danh lãnh đạo quản lý. Kết quả đã có 374 đội viên (chiếm 64,9%) được quy hoạch vào các chức danh: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp huyện; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã... Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng, rèn luyện và phấn đấu để đội viên dự án trở thành đảng viên. Đến nay, đã có 538 đội viên là đảng viên, số còn lại đều đã được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng.


Về công tác bố trí, sử dụng sau khi kết thúc dự án, tính đến ngày 30/6/2017, đã có 564 đội viên đủ điều kiện để bố trí công tác sau khi kết thúc dự án. Các địa phương đã bố trí công tác được cho 412 đội viên. Trong đó có 217 đội viên được bố trí làm công chức cấp xã; 13 đội viên được bố trí làm chủ tịch UBND xã; 68 đội viên được bầu tiếp tục giữ chức vụ phó chủ tịch UBND xã...

Đánh giá chung cho thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ và đồng thuận chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thu hút trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã thuộc các huyện nghèo trong cả nước. Đây là nguồn nhân lực trẻ để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Các đội viên đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh; trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; qua đó bản thân các đội viên cũng nâng cao được phẩm chất và năng lực công tác; đa số đội viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dự án góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan của Đảng và Nhà nước tại các xã khó khăn; đồng thời, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ trong cả nước.

Bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Dự án như: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ việc theo dõi, kiểm tra và giám sát thực hiện dự án và quá trình công tác của đội viên để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội viên Dự án ở một số nơi chưa được coi trọng nên ngay từ khi đội viên về xã, cấp ủy, chính quyền xã chưa quan tâm bố trí cán bộ có năng lực theo dõi, giúp đỡ và bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương. Một số đội viên chưa chủ động tham mưu, đề xuất cho địa phương các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; còn thụ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn được phân công...

Tại Hội nghị, đại diện các đội viên Dự án; đại diện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã; đại diện Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã trình bày tham luận tập trung vào 4 nhóm vấn đề mà Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã đề nghị. 
Trải qua 5 năm thực hiện Dự án, với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ, đi sâu đi sát cuộc sống của nhân dân các xã được phân công phụ trách, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, các đội viên Dự án đã có những thành công bước đầu đối với những nhiệm vụ được giao. 

Đội viên Giàng Seo Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai chia sẻ, khi được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã và được phân công phụ trách mảng kinh tế nông, lâm nghiệp đã “tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn xã”, cùng với nhân dân “lo cùng nỗi lo của dân, đau  cùng nỗi đau của dân”, chọn những việc cần thiết với dân làm trước, làm phải thành công để nhân dân đồng tình, ủng hộ; để từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo và vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân, các mô hình phát triển kinh tế như trồng cây dược liệu, trồng rau trái vụ, chăn nuôi gia súc...Từ các mô hình đã nâng thu nhập bình quân đầu người/năm trên 25 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng so với năm 2012, nhiều đường liên xã, liên thôn đã được nhựa hóa, đổ bê tông. Năm 2016 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và là xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Đội viên Lê Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La – người thành công với mô hình nuôi cá lồng cũng chia sẻ: “ luôn suy nghĩ trăn trở tìm những giải pháp giúp nhân dân thực hiện cải tiến phát triển sản xuất, cố gắng vận dụng kiến thức được đào tạo trong công tác tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương vận động nhân dân thực hiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sang các đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao”,  chị cũng chia sẻ các kinh nghiêm 4 bám "bám sát chủ trương chính sách; bám sát cơ sở; bám sát các tư tưởng chỉ đạo; bám việc, thực hiện "4 cùng" với người dân, chủ động học tiếng địa phương, tìm hiểu các nét văn hóa của từng dân tộc, cùng tham gia lao động sản xuất. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân nhất là nhân dân 12 bản thực hiện Dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La tận dụng hơn 620 ha diện tích mặt nước lòng hồ và nguồn thức ăn tại chỗ chuyển đổi sang nuôi cá lồng với sản phẩm cá sạch. Nhân dân đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất với kết cấu lồng hiện đại, hình thành 02 hình thức tổ chức sản xuất: nghề nuôi cá lồng đã giải quyết vấn đề tạo việc làm cho người dân ven vùng tái định cư, cung cấp nguồn thực phẩm, đời sống của nhân dân đã từng bước được cải thiện, và tạo thu nhập cho người dân (tăng 25 triệu đồng/hộ), bắt đầu xuất hiện một số hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm (năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo  của xã  24,2% giảm so 36,3% so với năm 2012).

Một số ý kiến của đội viên cũng đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện về chính sách nhà ở, trang thiết bị cần thiết phục vụ công việc, cơ chế tăng lương trước thời hạn khi kết thúc dự án đối với độ viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Đội viên; nhân rộng mô hình dự án đưa tri thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, huyện. xã thuộc chương trình 30a.

Đồng chí Sùng Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - đại diện các xã thuộc phạm vi thực hiện Dự án đã đánh giá cao tinh thần nhiệt huyết và sự nỗ lực, đóng góp của các đội viên thuộc Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Na Hối. Đồng chí cho biết, nhờ tâm huyết và sức trẻ của đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã trên địa bàn xã Na Hối đã nỗ lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng sức, chung lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã, sau 5 năm (2012 - 2017), diện mạo nông thôn của xã Na Hối có sự thay đổi cơ bản. Đồng chí khẳng định, Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần vào thành công chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn xã Na Hối nói riêng và các xã thuộc phạm vi thực hiện Dự án nói chung. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương đào tạo, bồi dưỡng thanh niên. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi trọng việc trọng dụng tài năng trẻ, từng bước thực hiện có tính đột phá trong bố trí cán bộ trẻ trên các lĩnh vực. Thủ tướng đã phê duyệt Dự án 600 Phó Chủ tịch xã nhằm tăng cường nguồn lực có trình độ, giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững. Điều này thể hiện quan tâm của của Đảng, Chính phủ đối với các xã thuộc huyện nghèo, sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ, những người được đào tạo cơ bản, có lòng nhiệt tình, hăng hái xung phong đến các xã nghèo ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, tham gia xây dựng quê hương đất nước, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo.

Dự án tăng cường nguồn nhân lực có trình độ, giúp cho các cấp ủy, chính quyền địa phương các xã thuộc các huyện nghèo thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững và cũng nhằm đào tạo nguồn lực cán bộ bổ sung cho các cấp lãnh đạo, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút trí thức trẻ. Các đội viên đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dự án đã tạo ra cơ hội để đội ngũ trí thức trẻ có môi trường rèn luyện, trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành, góp phần trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, hình thành đội ngũ cán bộ, công chức trẻ năng động, sáng tạo, gương mẫu, chủ động tích cực và trăn trở cùng cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được của các đội viên và mong rằng thời gian tới các đồng chí tiép tục phát huy những thành quả đạt được, cống hiến nhiều hơn nữa trên mặt trận xung phong đi về các xã khó khăn của các huyện nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận, ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ và 20 tỉnh trong quá trình tổ chức triển khai Dự án; biểu dương tinh thần nhiệt huyết của 580 đội viên Dự án đã tình nguyện đến với các xã nghèo trong cả nước và những thành tích của các đồng chí đạt được trong 5 năm qua. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao các trí thức trẻ đã lựa chọn con đường “dấn thân” vì đồng bào, vì lý tưởng, hoài bão muốn đóng góp tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước, phục vụ nhân dân. Đồng chí tin tưởng, các trí thức trẻ sẽ tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, sự năng động, sáng tạo, tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới mà địa phương đề ra trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của đội viên; chưa quan tâm đúng mức, chưa coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương, chưa tin tưởng và mạnh dạn giao việc và bố trí đội viên vào các chức danh lãnh đạo quản lý. Còn gần 40% đội viên dự án bố trí làm công chức chuyên môn ở cấp xã. Một số đội viên còn thiếu kinh nghiệm trong xử lý công việc…

Để tiếp tục phát huy đội ngũ trí thức trẻ có chất lượng này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra, thực hiện tốt chủ trương của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Việc bố trí cán bộ, trí thức trẻ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn lực của địa phương yếu thì phải có chính sách thu hút cán bộ, nhất là trí thức trẻ về tham gia cống hiến, sáng tạo. Dự án kết thúc, địa phương phải có chính sách bố trí sử dụng tốt hơn nhưng cũng phải có chính sách tiếp tục thu hút trí thức trẻ về cống hiến.

Phó Thủ tướng lưu ý phải chọn nguồn và tạo nguồn thật tốt, phải là trí thức trẻ có tâm huyết, nhiệt tình, hoài bão, hăng hái xung phong, đặt hết tâm trí, lòng nhiệt tình để cống hiến. Từ đó, Đảng, Nhà nước tiếp tục đào tạo, quy hoạch, đánh giá đúng, bố trí đúng, cung cấp nguồn cán bộ cho xã, các đoàn thể, tổ chức cơ quan ở các cấp. Chú trọng tuyển lựa, tạo điều kiện cho con em của địa phương có trình độ đại học được thu hút, quy hoạch vào các vị trí, đặc biệt là vị trí Phó Chủ tịch xã. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ có chương trình đào tạo sát thực tế đối với các cán bộ trẻ. Các trí thức trẻ của Dự án phải được tin tưởng bố trí đúng, theo dõi, kèm cặp, thường xuyên đánh giá, phải giải được bài toán đầu ra. Tỉnh nào còn biên chế, phải ưu tiên bố trí cho số cán bộ trẻ này. Nếu hết biên chế, giải quyết theo bài toán “2 ra, 1 vào” (2 người ra khỏi biên chế, 1 người vào), kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ bổ sung biên chế. Các sáng kiến của đội ngũ trí thức trẻ phải được trân trọng và biến thành hiện thực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng tạo cơ hội cho đội ngũ trí thức trẻ có môi trường rèn luyện phấn đấu và trưởng thành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức đã tham gia Dự án nhằm phát huy năng lực quản lý lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương; chú trọng công tác quy hoạch, bố trí cán bộ trẻ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhiệm, phụ trách nhiệm vụ.
Thứ hai, đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan ở TW và 20 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án từ thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã; tổ chức triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 06 -TB/TW ngày 29/4/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về việc thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; đồng thời đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, giao cho Bộ Nội vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại các địa phương khó khăn để bồi dưỡng, đào tạo tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới, đột phá trong công tác cán bộ.
Thứ ba, giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại các vùng khó khăn để bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đổi mới, đột phá trong công tác cán bộ.
Thứ tư, đối với các đội viên Dự án phải luôn luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, chấp hành tốt sự phân công công việc của các cấp có thẩm quyền; nâng cao bản lĩnh chính trị, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức trẻ xứng đáng là “đội viên tình nguyện, là trí thức trẻ ưu tú”; xây dựng phong cách người cán bộ “trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân”, phải thực sự “miệng nói, tay làm, óc nghĩ, chân đi, mắt thấy, tai nghe; không ngừng nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ giúp nhân dân trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh kinh tế - xã hội.

Nhân dịp này, Bộ Nội vụ đã tặng Bằng khen cho 16 tập thể và 88 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai Dự án 600 Phó Chủ tịch xã./.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể
có thành tích xuất sắc trong triển khai Dự án

 

Theo Cổng Điện tử BNV

bn-current-user-online-portlet

Online : 3567
Total visited : 151075472