bn-current-user-online-portlet

Online : 2745
Total visited : 151038360

BVĐK tỉnh tăng cường đảm bảo công tác an toàn truyền máu

25/12/2018 09:39 View Count: 203

Trong điều trị, máu được coi là một trong các loại thuốc cũng như sản phẩm để điều trị bệnh. Hiện vẫn chưa có chế phẩm hay một loại thuốc nào có thể thay thế được máu. Với nhiều bệnh lí, nếu thiếu máu thì bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong. Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bắc Ninh là đơn vị tuyến đầu trong khám chữa bệnh của tỉnh, thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nặng, trong số đó có rất nhiều bệnh nhân cần có chỉ định truyền máu để điều trị. Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác an toàn truyền máu nên bệnh viện không để xảy ra tai biến cũng như tác động xấu nào trong vấn đề này.

Ảnh: Bệnh nhân Nguyễn Đức Huy được phẫu thuật cứu sống và phải truyền đến 29 đơn vị huyết tương và 10 đơn vị hồng cầu

Bệnh nhân Nguyễn Đức Huy 17 tuổi, ở phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh bị tai nạn giao thông, vào viện trong tình trạng chấn thương nặng, không mạch, không huyết áp, mất rất nhiều máu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu. Các bác sĩ cho biết, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân còn bị giảm tiểu cầu, giảm yếu tố đông máu. Với trường hợp mất máu khối lượng lớn như thế này, các bác sĩ vừa phải phẫu thuật, vừa phải truyền đến 8 khối hồng cầu, 8 khối huyết tương đông lạnh. Sau mổ, mặc dù tính mạng bệnh nhân đã được cứu sống nhưng vẫn phải truyền máu khối lượng lớn để bù lại lượng máu đã mất và phục hồi dần chức năng cơ thể. Trong 7 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân được truyền tổng số là 29 đơn vị huyết tương đông lạnh và 10 khối hồng cầu.

Ảnh: Điều dưỡng viên chăm sóc bệnh nhân trong quá trình truyền máu tại khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức

KTV Nguyễn Văn Chuyển - Điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, BVĐK tỉnh cho biết, riêng tại khoa, việc truyền máu diễn ra cả trước, trong và sau mổ. Có tháng khoa truyền đến 300 đơn vị máu bởi thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương, tai biến sản khoa hay bệnh nhân hồi sức trước và sau phẫu thuật. Hầu hết điều trị tại đây đều là bệnh nhân nặng, sức khỏe yếu nên phụ thuộc hoàn toàn vào người nhà chăm sóc. Sự phối hợp của người nhà trong theo dõi diễn biến của người bệnh khi truyền máu là rất quan trọng. Bác sĩ lâm sàng là người trực tiếp ra chỉ định truyền máu, sau đó điều dưỡng sẽ lấy mẫu máu của bệnh nhân để chuyển xuống phòng xét nghiệm.

Ảnh: Máu được bảo quản trong tủ trữ đông chuyên dụng tại khoa xét nghiệm trung tâm, khi có chỉ định truyền máu, các cán bộ y tế tại đây sẽ lựa chọn nhóm máu phù hợp

Ảnh: Máu được rã đông để thực hiện các xét nghiệm trước khi chuyển lên khoa điều trị thực hiện truyền máu cho bệnh nhân

Khu vực bảo quản, tiếp nhận và phân phối máu được đặt tại khoa xét nghiệm trung tâm của BVĐK tỉnh. Tại đây, các bịch chứa thành phần máu như hồng cầu, huyết tương…sau khi vận chuyển từ Viện huyết học truyền máu trung ương về được bảo quản trong các tủ đông chuyên dụng để đảm bảo chất lượng của máu. Khi mẫu máu của bệnh nhân có chỉ định truyền máu tại các khoa lâm sàng được chuyển xuống, cán bộ y tế tại đây sẽ lựa chọn đơn vị máu trong tủ trữ máu phù hợp; thực hiện rã đông máu và làm các xét nghiệm phản ứng hòa hợp trong phát máu; ghi chú đầy đủ thông tin bệnh nhân trên tem dán của bịch máu tương ứng với từng bệnh nhân để đảm bảo chính xác 100%. Khi mẫu máu được cấp phát đến các khoa điều trị, điều dưỡng viên tại đây cũng tiếp tục lấy mẫu máu của bệnh nhân để làm máu chéo tại giường, một lần nữa khẳng định tính chính xác. Tại mỗi cọc treo máu truyền đều có biển tên ghi rõ nhóm máu giúp người nhà cũng có thể nắm bắt và theo dõi được thông tin.

Ảnh: Cán bộ y tế thực hiện xét nghiệm phản ứng hòa hợp trong phát máu

Ảnh: Mọi thông tin liên quan đến bệnh nhân đều được ghi chép đầy đủ trên tem dán của bịch máu, đảm bảo tính chính xác tuyệt đối

Khoa Nội tiêu hóa, thần kinh, các bệnh máu của BVĐK tỉnh cũng là khoa có đông bệnh nhân phải thực hiện truyền máu nhất. Bệnh nhân Đỗ Duy Đận ở xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành có thói quen uống khá nhiều rượu. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông bị loét dạ dày gây xuất huyết tiêu hóa. Sau khi có những triệu chứng đêm ngủ khó chịu, trằn trọc, hoa mắt chóng mặt, đi ngoài phân đen là những biểu hiện rõ ràng của mất máu cấp tính, ông được nội soi tiêu hóa để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Mặt khác, xét nghiệm chỉ số hồng cầu của ông chỉ bằng ¼ thông thường, nên ông được chỉ định truyền khối hồng cầu để bù lại lượng hồng cầu đã mất do xuất huyết.

Ảnh: Cán bộ y tế thực hiện định nhóm máu và thử phản ứng chéo giữa thành phần máu sẽ truyền và máu của người bệnh

Bác sĩ Nguyễn Anh Tân – Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, thần kinh, các bệnh máu cho biết, bệnh nhân có chỉ định truyền máu thường do 2 nguyên nhân, một là bệnh nhân mất máu cấp tính vì xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, bệnh lí dạ dày, tá tràng, bệnh nhân bị bệnh trĩ hoặc ung thư đại trực tràng; hai là bệnh nhân bị mất máu mạn tính do bệnh lí về máu như suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, chuyển khối tiểu cầu… Mặc dù máu vô cùng quan trọng, nhưng việc truyền máu bản chất cũng có thể gây ra những rủi ro và tác động không mong muốn. Bởi máu là một kháng nguyên, khi kháng nguyên được truyền vào cơ thể người sẽ xảy ra phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể gặp phải các phản ứng như sốt, ngứa, nổi ban đỏ trên da, hoặc mạnh hơn là phù nề, khó thở…Khi máu đã được truyền tới người bệnh nhân thì 5-10 phút đầu tiên là khoảng thời gian rất quan trọng để xém xét phản ứng của cơ thể người bệnh khi tiếp nhận máu. Điều dưỡng viên sẽ phải đứng tại giường của bệnh nhân và thực hiện y lệnh truyền máu, theo dõi bất thường để kịp thời giải thích cho người nhà và báo cho bác sĩ để xử lí. Với mỗi đơn vị máu, quá trình truyền đều phải tính bằng giờ đồng hồ. Cán bộ y tế không thể đứng theo dõi bệnh nhân 24/24 mà cần phải có sự hỗ trợ và phối hợp từ phía người nhà. Chính vì vậy, công tác tư vấn, giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh cũng được thực hiện đầy đủ, kĩ càng.

Ảnh: Truyền máu cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa tại khoa nội tiêu hóa, thần kinh, các bệnh máu

Nếu như trước đây, việc truyền máu được thực hiện theo phương pháp truyền máu toàn phần; thì gần đây, nhờ sự phát triển của khoa học, các thành phần của máu như hồng cầu, bạch cầu, huyết tương, tiểu cầu…đã được tách ra riêng rẽ theo từng chế phẩm máu. Cũng nhờ thế mà hạn chế được những tác dụng không mong muốn của việc truyền máu. Thông qua việc xét nghiệm, bệnh nhân thiếu thành phần gì thì bác sĩ sẽ chỉ định truyền thành phần đó. Mặc dù truyền máu có vai trò hết sức quan trọng trong cứu sống người bệnh, nhưng bên cạnh đó cũng có nguy cơ gây ra những rủi ro nếu không được đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Vì vậy, cùng với ý thức, trách nhiệm của cán bộ y tế; cùng với những quy trình trong truyền máu được thực hiện nghiêm ngặt thì ý thức của người hiến máu để đảm bảo nguồn máu sạch cũng như sự phối hợp từ phía người bệnh và người nhà người bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong an toàn truyền máu.

Nguyễn Oanh