bn-current-user-online-portlet

Online : 4229
Total visited : 150807083

Hiệu quả điều trị PrEP tại tỉnh Bắc Ninh

16/04/2024 09:43 View Count: 238

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 51 ca nhiễm HIV, giảm 09 trường hợp so với năm 2022. Song điều này cho thấy, vẫn có những trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, trong đó có người thuộc các nhóm nguy cơ cao

Theo BS Trần Văn Vinh, cán bộ  Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của người sử dụng PrEP. Trong quá trình dùng PrEP, khách hàng buộc phải uống hàng ngày, mỗi ngày 1 viên, có thể uống trước hoặc sau khi ănnên uống vào một thời điểm nhất định để tạo thói quen uống thuốc đều đặn, nếu quên liều, cần uống khi nhớ ra. Tuy nhiên, không được uống quá 2 liều cùng 1 ngày. Là người trực tiếp và có kinh nghiệm trong điều trị PrEP cho các khách hàng, BS Vinh cho biết thêm: PrEP khá an toàn, không tương tác với đa số các thuốc khác nên người dùng có thể uống cùng nhau. Số ít người thời gian đầu dùng PrEP sẽ xuất hiện tình trạng như đau dạ dày, đau đầu nhẹ, tuy nhiên các triệu chứng trên sẽ giảm và mất sau 1-2 tuần.

Hiện tại, thuốc PrEP đang được cung cấp tại 3 cơ sở điều trị PrEP trong tỉnh, gồm: Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Thị xã Quế Võ và Trung tâm Y tế huyện Gia Bình, số khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất một lần tại 03 cơ sở là 423 khách hàng, trong đó số khách hàng là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ 44,2%; nhóm tuổi dưới 35 là chủ yếu chiếm tỷ lệ  46,3% số khách hàng đang điều trị; các khách hàng đang điều trị PrEP từ 3 tháng trở lên đạt 25,6%. Việc triển khai PrEP được cho là một bước tiến lớn trong kiểm soát tình hình nhiễm HIV. PrEP là một biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, góp phần quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HIV.

Qua theo dõi các khách hàng điều trị tại tỉnh chưa ghi nhận có trường hợp nào dừng điều trị do tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, quá trình triển khai điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân trong nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỷ lệ duy trì điều trị của các trường hợp nguy cơ cao còn thấp vì nhiều nguyên nhân như: Thay đổi chỗ ở, nơi làm việc, không tái khám vì chưa sắp xếp được thời gian, chủ quan thấy không còn nguy cơ lây nhiễm, thời gian hoạt động của phòng khám vào khung giờ hành chính mà đa số khách hàng đều là khách hàng ngoại tỉnh đi làm ở các công ty, do đó việc đi lại để được thăm khám, tư vấn vẫn còn giới hạn…

Bên cạnh đó, công tác truyền thông các vấn đề liên quan đến PrEP nói riêng, HIV/AIDS nói chung tại các trường học hay việc tiếp cận với các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm HIV còn tâm lý e ngại, sợ bị kỳ thị. Ðây chính là những rào cản dẫn đến  việc can thiệp và điều trị HIV/AIDS chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Vì vậy, để công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) đạt hiệu quả cao trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người có nguy cơ cao nhiễm HIV hiểu được tầm quan trọng của việc điều trị PrEP, tập trung triển khai các giải pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao, nhất là nhóm MSM và mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Đối với người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao cần  điều trị PrEP thường xuyên, uống thuốc đúng, đều theo hướng dẫn của bác sĩ./.

Bùi Thị Ngoan – Khoa PC HIV/AIDS
Source: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh.