bn-current-user-online-portlet

Online : 2822
Total visited : 151121994

Ngành y tế đẩy mạnh hoạt động công tác xã hội giai đoạn 2022 – 2030

28/04/2022 16:05 View Count: 774

Hiện ngành y tế có 2 đơn vị là Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi đã thành lập phòng Công tác xã hội (CTXH) và bước đầu hoạt động mang lại những kết quả hết sức tích cực, trở thành cầu nối quan trọng giúp đỡ bệnh nhân và tăng cường sự hài lòng của người bệnh. Ngành đã đề ra lộ trình cụ thể, rõ ràng để hướng tới năm 2027, tất cả các đơn vị trong ngành đều thành lập Phòng CTXH và hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ quy định của Bộ Y tế.

Trong đó, TTYT TP Từ Sơn thành lập Phòng CTXH vào năm 2023; TTYT Yên Phong, Quế Võ năm 2024; TTYT Tiên Du, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài năm 2025; TTYT TP Bắc Ninh, các Bệnh viện chuyên khoa và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh năm 2026 – 2027. Các đơn vị khác khi chưa đến thời gian thành lập Phòng CTXH phải có Tổ CTXH (thuộc Khoa Khám bệnh  hoặc Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ hoặc Phòng Tổ chức – Hành chính hoặc Phòng Điều dưỡng hoặc Phòng Dân số - Truyền thông giáo dục sức khỏe) để thực hiện các nhiệm vụ CTXH.

Phòng CTXH thuộc các đơn vị   sẽ bao gồm viên chức, lao động chuyên ngành công tác xã hội, tâm lý học, xã hội học, truyền thông, y, dược hoặc ngành khoa học xã hội khác được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác xã hội. Mỗi phòng Công tác xã hội có ít nhất 07 viên chức; mỗi khoa, phòng, trạm y tế cấp xã trực thuộc đơn vị phân công 01 viên chức, lao động tham gia làm công tác xã hội, thực hiện cung cấp thông tin, phối hợp với Phòng/Tổ công tác xã hội triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội trong đơn vị.

Phòng CTXH được bố trí phòng làm việc tại vị trí thuận lợi, dễ tiếp xúc với người bệnh, người nhà người bệnh; được trang bị quần áo, biển, thẻ đồng phục phân biệt với các nhân viên y tế khác và trang bị đầy đủ các thiết bị như máy ảnh, máy quay, thiết bị truyền thông khác để thực hiện nhiệm vụ truyền thông và chăm sóc khách hàng. Tổ hỗ trợ người bệnh phải được bố trí ở trung tâm của Khoa khám bệnh,
ở vị trí người dân dễ nhận biết và dễ tiếp xúc.

Nhân viên CTXH sẽ được phân công nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo Phòng/Tổ CTXH của đơn vị thực hiện đủ các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhiệm vụ hàng đầu là hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Tại khoa khám bệnh của các đơn vị phải bố trí nhân viên CTXH tiếp đón, hướng dẫn người bệnh làm thủ tục nhập viện, chuyển viện, ra viện, chế độ bảo hiểm ytế (BHYT), thanh toán chi phí khám chữa bệnh, cận lâm sàng, xe đẩy cho người bệnh già yếu, khó khăn khi đi lại….; đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh. Cán bộ CTXH sẽ tổ chức hỏi thăm người bệnh và người nhà người bệnh để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện; hỗ trợ khẩn cấp các hoạt động công tác xã hội cho người bệnh là nạn nhân của bạo hành, bạo lực gia đình, bạo lực giới, tai nạn, thảm họa nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh. Ngoài ra, nhân viên CTXH cũng hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh.

Phòng/Tổ CTXH có nhiệm vụ tư vấn sức khỏe cho người dân Online; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh và đăng ký tiêm chủng Online. Cán bộ làm CTXH cũng thực hiện hỗ trợ nhân viên y tế trong việc Cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị; hỗ trợ người bệnh đến khám tại các chuyên khoa sâu; hỗ trợ đưa đón, hướng dẫn người bệnh bàn giao đến các khoa điều trị nội trú và hỗ trợ nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn.

Thường xuyên khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh, người dân đối với dịch vụ của đơn vị cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của CTXH trong bệnh viện. Trong đó, khảo sát, lấy ý kiến người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú. Tiếp nhận, xử lý khi có phản ánh và phản hồi lại cho người phản ánh. Từ việc tiếp nhận những phản ánh của người bệnh, nhân viên CTXH sẽ phối hợp với các bộ phận có liên quan triển khai cải tiến chất lượng bệnh viện dựa trên kết quả phân tích các nguyên nhân phàn nàn, thắc mắc của người bệnh, người nhà người bệnh. Song song với đó, tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách thái độ phục vụ,
hòm thư góp ý của đơn vị.

Vận động tiếp nhận tài trợ có thể nói là hoạt động bề nổi được thực hiện hiệu quả nhất trong lĩnh vực CTXH tại các đơn vị trong ngành y tế hiện nay. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực này, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trọng tâm thực hiện các hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn theo đúng quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo. Nhân viên CTXH sẽ làm đầu mối phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ có nhu cầu hỗ trợ cho người bệnh và cán bộ, nhân viên của đơn vị.

Trong hoạt động thông tin truyền thông, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh; xây dựng nội dung, tài liệu quảng bá hình ảnh, dịch vụ, hoạt động của bệnh viện đến người bệnh và cộng đồng thông qua các chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cập nhật và tổ chức phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, hoạt động của đơn vị cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh; đồng thời, cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động nổi bật của đơn vị để quảng bá hình ảnh của đơn vị, từ đó tăng cường hơn nữa sự lựa chọn của người dân khi sử dụng các dịch vụ của đơn vị.

Cuối cùng là nhiệm vụ tổ chức các hoạt động từ thiện, CTXH tại cộng đồng. Hiện hoạt động này mới chỉ có BVĐK tỉnh là đơn vị thường xuyên tổ chức các chiến dịch tình nguyện hỗ trợ nhân dân khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hỗ trợ các trẻ em nghèo được khám bệnh miễn phí và đến trường học tập…

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch CTXH ngành y tế giai đoạn 2022 - 2030, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi làm đầu mối tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về CTXH cho các đơn vị trong ngành; đồng thời các đơn vị cũng thường xuyên tổ chức học hỏi kinh nghiệm tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh để triển khai hoạt động CTXH tại đơn vị có hiệu quả. Thực hiện CTXH cần có sự chung tay, góp sức của không chỉ nhân viên CTXH mà của tất cả đội ngũ cán bộ trong ngành cũng như xã hội. Từ đó mới góp phần chăm sóc toàn diện cho sức khỏe người bệnh; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển công bằng và hiệu quả.

Nguyễn Oanh