bn-current-user-online-portlet

Online : 3338
Total visited : 151102021

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh, cả người bệnh và cơ sở y tế đều hưởng lợi

11/05/2024 08:02 View Count: 66

Những năm gần đây quá trình chuyển đổi số ngành Y tế đã được đẩy mạnh thực hiện, Nhiều bệnh viện đã áp dụng y tế thông minh trong quản trị như đặt lịch khám qua điện thoại, lấy số tự động, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt... giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh...

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31, hôm nay (9/5), Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế), Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số phối hợp với các đơn vị lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Quốc tế về Y Dược thông minh Việt Nam (Vietnam Smart Health) với chủ đề "Tương lai của y tế và chăm sóc sức khỏe: Công nghệ thông minh và chuyển đổi số ngành Y Dược".

Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số y tế; tạo diễn đàn giao lưu, chia sẻ những thành tựu, trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia trong ngành, kết nối các doanh nghiệp, người làm chính sách, đơn vị cung cấp trang thiết bị, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Y tế thông minh giúp cả người bệnh và bệnh viện đều hưởng lợi

Trong tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) chia sẻ, những năm gần đây quá trình chuyển đổi số ngành Y tế đã được đẩy mạnh thực hiện.

Nhiều bệnh viện đã áp dụng y tế thông minh trong quản trị như đặt lịch khám qua điện thoại, lấy số tự động, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt... giúp giảm thời gian chờ đợi, giảm lưu trữ giấy tờ, tiết kiệm chi phí cho nhân lực.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh, cả người bệnh và cơ sở y tế đều hưởng lợi- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) tham luận tại Diễn đàn Quốc tế về Y Dược thông minh Việt Nam (Vietnam Smart Health) với chủ đề "Tương lai của y tế và chăm sóc sức khỏe: Công nghệ thông minh và chuyển đổi số ngành Y Dược".

Trong lĩnh vực ung thư, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán, lựa chọn phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân.

Y tế số phát triển là tương lai, cơ hội, thách thức cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng tại Việt Nam. Y tế số chính là giải pháp để bác sĩ, bệnh nhân được tiếp cận với nhau một cách gần gũi và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên ông Nam cũng thẳng thắn cho hay, việc thực hiện chuyển đổi số y tế vẫn còn không ít tồn tại. Hiện nay, người dân vẫn chưa được chăm sóc sức khỏe y tế toàn diện, chưa được tầm soát, thăm khám thường xuyên. Các cơ sở y tế cũng chưa chủ động, tương tác cung cấp dịch vụ đến người dân.

Nguồn lực ngành y tế chưa được quản lý đầy đủ, nguồn nhân lực chuyển đổi số y tế chưa được quan tấm đúng mức để nâng cao trình độ, nhất là ở tuyến dưới… Lộ trình chuyển đổi số ngành y tế đang được thực hiện nhưng tiến triển còn chậm do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong tham luận tại diễn đàn, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Y tế công cộng (Bộ Y tế) khẳng định, y tế thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, giúp giảm thiểu sai sót trong chẩn đoán, tăng cường theo dõi bệnh từ xa và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quản lý bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh.

Trong xu hướng chuyển đổi số y tế, các giải pháp y tế thông minh giúp giải quyết công việc một cách thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch, cải thiện hiệu suất, tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng dịch vụ; Tạo ra các đột phá trong chăm sóc sức khỏe người dân. Ứng dựng y tế thông minh sẽ mang đến những thay đổi cơ bản trong thanh toán bảo hiểm y tế, quản lý nhân sự, mua sắm, đấu thầu, quản lý kho, cung ứng thuốc, lập kế hoạch, nộp thuế, lập báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động.

4 giải pháp để triển khai hiệu quả chuyển đổi số y tế

Theo chuyên gia, chuyển đổi số không phải vấn đề công nghệ mà là ứng dụng chuyển hoạt động y tế lên môi trường số hiệu quả. Để triển khai hiệu quả chuyển đổi số y tế, ông Nguyễn Trường Nam nhấn mạnh đến 4 nhóm giải pháp về thông tin, kết nối, hoạch định các dịch vụ y tế và giải pháp tài chính. Trong đó, cần giải quyết những vấn đề cụ thể như: Xây dựng và liên thông dữ liệu, sử dụng nền tảng công nghệ hỗ trợ kết nối, hồ sơ sức khỏe, khám bệnh từ xa, xây dựng định mức đầu vào ngành y tế, tính toán chi phí đầu ra…

Ông Doãn Ngọc Hải chia sẻ, để các bệnh viện, cơ sở khám bệnh triển khai y tế thông minh, hiệu quả thì nên lựa chọn thuê và trả tiền công nghệ theo mức độ sử dụng theo mô hình 2SRP, trong đó: S-Sign in (Đăng nhập); S-Setting (Thiết lập); R- Running (Sử dụng); P-Paying (Thanh toán).

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh, cả người bệnh và cơ sở y tế đều hưởng lợi- Ảnh 2.

Thời gian qua nhiều cơ sở y tế đã áp dụng y tế thông minh trong quản trị như đặt lịch khám qua điện thoại, lấy số tự động, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt... giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Ảnh: TL

Trên cơ sở quy trình chuyển đổi số các hoạt động trong lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh, các doanh nghiệp công nghệ cần thiết kế các sản phẩm công nghệ phù hợp với đặc thù của ngành y tế, để các cơ sở y tế có thể triển khai đơn giản, hiệu quả.

Tại diễn đàn, các diễn giả trao đổi về những tiến bộ trong công nghệ y tế thông minh, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai tại Việt Nam; kiến trúc và mô hình triển khai hạ tầng, dịch vụ dữ liệu y tế, hệ thống điều hành y tế thông minh, mô hình bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trong khuôn khổ sự kiện, chiều 9/5 diễn ra hội thảo chuyên đề: Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu (Data) trong y tế thông minh và y tế số; Sáng 10/5 diễn ra chuyên đề Hệ sinh thái thiết bị mang, Y tế từ xa, quản lý bệnh án, bệnh viện.

Source: SKĐS