Thống kê truy cập

Online : 4763
Đã truy cập : 150548094

Giảm thiểu rủi ro đối với chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp khi trì hoãn hoặc áp dụng BIM không đầy đủ

07/10/2024 14:42 Số lượt xem: 59

Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hiệu suất hoạt động. Bên cạnh những mặt đã đạt được thì nhiều chủ đầu tư và nhà thầu xây lắp trì hoãn hoặc áp dụng BIM không đầy đủ. Bài viết nhằm phân tích, đưa ra một số giải pháp giảm thiểu rủi ro khi trì hoãn hoặc áp dụng BIM không đầy đủ.

1. Căn cứ pháp lý và tình hình áp dụng BIM ở Việt Nam hiện nay

1.1. Căn cứ pháp lý áp dụng BIM

- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13;

- Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình;

- Quyết định số 362/QĐ-BXD ngày 02/4/2018 của Bộ xây dựng Công bố danh sách thí điểm áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình;

- Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

- Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng về việc Ban hành định mức xây dựng

- Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chung áp dụng BIM;

- Quyết định số 347/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết áp dụng BIM đối với công trình dân dụng và hạ tầng đô thị;

- Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng;

- Quyết định số 66/QĐ-BCĐBIM ngày 05/4/2021 của Ban chỉ đạo thực hiện đề án BIM (Bộ Xây dựng) về việc công bố tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ứng dụng BIM;

Như vậy, BIM đã được quy định tương đối đầy đủ từ Luật Xây dựng, các nghị định và quyết định Chính phủ, các văn bản hướng dẫn chung và hướng dẫn chi tiết của Bộ Xây dựng.

1.2. Tình hình áp dụng BIM hiện nay

Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trong xây dựng, đưa BIM áp dụng trong thực tiễn. Chính phủ đã cho thực hiện đề án thí điểm áp dụng BIM theo Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Danh sách 20 công trình áp dụng thí điểm công bố theo Quyết định số 362/QĐ-BXD ngày 02/4/2018 của Bộ Xây dựng; trong đó, có 15 công trình dân dụng, 2 công trình hạ tầng kỹ thuật, 2 công trình cầu và 1 công trình đường bộ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM. Từ tháng 5/2023 đến tháng 5/2024 nhiều gói thầu áp dụng BIM đã được triển khai và công khai mời thầu trên Hệ thống đấu thầu quốc gia với tổng số 26 gói thầu. Cơ cấu các gói thầu phân loại theo công trình gồm: 13 gói thầu về lĩnh vực công trình giao thông, 5 gói thầu về lĩnh vực công trình hạ tầng kỹ thuật, 4 gói thầu về lĩnh vực công trình dân dụng, 4 gói thầu công trình điện.

Về địa phương thì TP. Hà Nội có 6 gói thầu (4 gói thầu do các ban quản lý dự án cấp thành phố làm chủ đầu tư, 2 gói thầu do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư), TP. Hồ Chí Minh có 4 gói thầu, tỉnh Khánh Hòa có 3 gói thầu, TP. Hải Phòng có 2 gói thầu…

Ngoài 20 công trình áp dụng thí điểm BIM và 26 dự án đã tổ chức đấu thầu có yêu cầu áp dụng BIM công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì còn có rất nhiều các dự án xây dựng tòa nhà cao tầng, dự án vốn nước ngoài, dự án chỉ định thầu áp dụng BIM.


Cầu Hoàng Văn Thụ TP. Hải Phòng là một trong những công trình được triển khai áp dụng BIM

2. Một số rủi ro khi trì hoãn áp dụng BIM

Do đánh giá chưa đầy đủ về những quy định pháp lý hiện hành nên chủ đầu tư và nhà thầu đã trì hoãn áp dụng BIM hoặc áp dụng BIM không đầy đủ. Việc trì hoãn chưa áp dụng hoặc áp dụng BIM không đầy đủ có thể tạo thuận lợi trước mắt nhưng đều tiềm ẩn rủi ro pháp lý. Vấn đề này được phân tích như sau:

2.1. Rủi ro đối với chủ đầu tư

2.1.1. Rủi ro khi trì hoãn áp dụng BIM

Lý do trì hoãn áp dụng BIM được chủ đầu tư đưa ra là chưa có nhân lực được đào tạo BIM, chưa có quy định về trang bị công nghệ thông tin, khó khăn khi xác định chi phí BIM, UBND một số tỉnh, thành phố hoặc sở ngành... cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Mặt khác Khoản 1, Điều 6 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định "Người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng BIM" nên nếu cơ quan đề xuất dự án không tham mưu "Người quyết định đầu tư" yêu cầu áp dụng BIM thì chủ đầu tư có lý do để không áp dụng.

Tuy nhiên, về pháp lý thì việc áp dụng BIM đã có quy định trong Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, các Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021, số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 và các hướng dẫn chung theo Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021, hướng dẫn chi tiết theo Quyết định số 347/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 của Bộ Xây dựng...

Đặc biệt, Quyết định phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng chính phủ đã quy định rất cụ thể mục đích và lộ trình áp dụng BIM:

- Mục đích áp dụng BIM quy định tại điểm a, b, Khoản 2, Điều 1

a) Việc áp dụng BIM trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; trong quá trình thi công xây dựng nhằm hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng nhằm hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng.

b) Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc sử dụng mô hình BIM như là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; quản lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu...)"

- Lộ trình áp dụng BIM quy định tại điểm a, b, d, g, Khoản 3, Điều 1

a) Giai đoạn 1: Từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

b) Giai đoạn 2: Từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

c) Đối với các dự án, công trình xây dựng bắt buộc áp dụng BIM, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.

g) Chủ đầu tư các dự án áp dụng BIM theo lộ trình quy định có trách nhiệm tổ chức cập nhật mô hình BIM để phục vụ quá trình quản lý, vận hành và bảo trì công trình.

Như vậy, việc trì hoãn chưa áp dụng BIM không thể viện dẫn Khoản 1, Điều 6 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021, bởi vì tại Khoản 3, Điều 6 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định "Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng BIM" tức là phải tuân thủ lộ trình áp dụng BIM theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023.

Việc trì hoãn áp dụng BIM có thể giúp chủ đầu triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư bình thường nhưng không thể bàn giao công trình do thiếu thành phần hồ sơ.

Do vậy, việc trì hoãn chưa áp dụng BIM là chưa tuân thủ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 và Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

2.1.2. Rủi ro khi áp dụng BIM không đầy đủ

Tệp tin BIM là thành phần hồ sơ khi trình thẩm định, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và các điểm d, e, g, Khoản 3, Điều 1 của Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 quy định tệp tin BIM là thành phần trong hồ sơ thiết kế, chủ đầu tư cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định thiết kế, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.

Việc áp dụng BIM không đầy đủ bằng cách nộp tệp tin BIM để đủ thành phần hồ sơ nhưng không sử dụng tệp tin BIM trong hoạt động xây dựng. Đây có thể là giải pháp không thay đổi phương thức triển khai hoạt động xây dựng và không ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên, cách làm này sẽ có nhiều rủi ro như sau:

- Tệp tin BIM không đáp ứng yêu cầu tối thiểu: Yêu cầu tối thiểu của tệp tin BIM quy định tại điểm c, Khoản 2, điều 1 của Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 "Tệp tin BIM cần phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu sau: Thể hiện được kiến trúc công trình, các kích thước chủ yếu; hình dạng không gian ba chiều các kết cấu chính của công trình; hệ thống đường ống điều hòa, thông gió, cấp thoát nước công trình. Một số bản vẽ các bộ phận chi tiết ở dạng không gian hai chiều nhằm bổ sung thông tin (nếu có) phải ở định dạng số khi nộp kèm theo tệp tin BIM. Các bản vẽ, khối lượng chủ yếu của các bộ phận công trình phải trích xuất được từ tệp tin BIM". Việc không sử dụng tệp tin BIM sẽ không kiểm tra và đánh giá được tệp tin BIM có đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hay không?

- Không đảm bảo mục tiêu áp dụng BIM theo quy định tại điểm a, Khoản 2, điều 1 của Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nguy cơ lãng phí chi phí vốn đầu tư và các nguồn lực: Việc áp dụng BIM không đầy đủ sẽ không phát huy được hiệu quả và mục tiêu áp dụng BIM theo quy định, đồng thời việc thanh toán chi phí BIM, sử dụng nhân sự để tạo tệp tin BIM mà không sử dụng sẽ gây lãng phí chi phí đầu tư và các nguồn lực của xã hội.

2.2. Rủi ro đối với nhà thầu xây lắp

Nhà thầu xây lắp thường hạn chế về năng lực công nghệ thông tin nên việc áp dụng BIM có nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu không áp dụng BIM thì sẽ có rủi ro ngay từ công tác đấu thầu đến thực hiện thi công và bàn giao công trình.

- Trong hoạt động đấu thầu: Việc trì hoãn áp dụng BIM nên nhà thầu sẽ không kịp chuẩn bị nhân lực về BIM hoặc sử dụng nhân lực không đáp ứng quy định tại Quyết định 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn tới nhà thầu có nguy cơ "trượt thầu";

- Trong quá trình thi công: Không sử dụng tệp tin BIM trong quá trình thi công là chưa thực hiện lộ trình áp dụng BIM theo Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn áp dụng BIM của Bộ xây dựng, thậm chí nhà thầu không được cấp giấy phép để triển khai thi công công trình.

- Trong công tác nghiệm thu, bàn giao: Thiếu tệp tin BIM hoặc tệp tin BIM không đáp ứng yêu cầu thì không đủ điều kiện nghiệm thu và bàn giao cho đơn vị khai thác, việc khắc phục để đủ điều kiện nghiệm thu bàn giao sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí của nhà thầu.

3. Giải pháp giảm thiểu rủi ro khi trì hoãn hoặc áp dụng BIM không đầy đủ

Theo khuyến cáo của một chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về BIM đã đưa ra một số giải pháp giảm thiểu rủi ro pháp lý khi trì hoãn hoặc áp dụng BIM không đầy đủ đối với chủ đầu tư và nhà thầu xây lắp như sau:

3.1. Đối với chủ đầu tư

Việc áp dụng BIM đã có căn cứ pháp lý rõ ràng, bắt buộc phải áp dụng nên không thể trì hoãn hoặc áp dụng không đầy đủ; do vậy chủ đầu tư cần:

- Tổ chức tập huấn BIM để các cán bộ, các bộ phận hiểu rõ về BIM và nhất quán quan điểm triển khai phù hợp với đặc điểm đơn vị.

- Tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức, cập nhật các văn bản pháp lý để triển khai BIM trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp lý hiện hành.

- Nâng cấp, trang bị máy tính và phần mềm phù hợp để triển khai BIM.

- Trong giai đoạn đầu có thể lựa chọn phương thức thuê tư vấn quản lý dự án đối với nội dung áp dụng BIM của dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến triển khai thi công và bàn giao công trình.

- Kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai BIM trong hoạt động xây dựng.

3.2. Đối với nhà thầu xây lắp

Việc áp dụng BIM không chỉ giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn giúp nhà thầu nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn tiến độ thi công công trình. Vì vậy nhà thầu cần thực hiện các biện pháp:

- Tập huấn để các các kỹ sư, cán bộ của doanh nghiệp nhận thức rõ và và nhất quán quan điểm phải triển khai BIM đầy đủ theo quy định.

- Tổ chức đào tạo cập nhật kiến thức để triển khai BIM cũng như hoàn thiện các chứng chỉ, chứng nhận đào tạo phù hợp.

- Nâng cấp, trang bị máy tính và phần mềm phù hợp để triển khai BIM.

4. Kết luận

Việc áp dụng BIM đã có rất nhiều quy định pháp lý, đã bắt đầu triển khai trong thực tiễn. Áp dụng BIM cũng là thực hiện đường lối của Đảng, Chính phủ với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động xây dựng. Việc trì hoãn áp dụng hay áp dụng không đầy đủ không chỉ tiềm ẩn các rủi ro về pháp lý mà còn không phát huy được lợi thế của công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng. Do vậy, các chủ thể quan tâm chuẩn bị sớm các nguồn lực và thực hiện áp dụng BIM theo đúng quy định pháp luật hiện hành để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng.

QL KCHT GT sưu tầm

Nguồn: tapchigiaothong.vn